Xã Long Bình triển khai đa dạng mô hình giảm nghèo bền vững

THÚY LIỄU 07:53, 12/12/2024

STO - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Chương trình), xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả khác nhau, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương về phát triển sinh kế và đưa đến đối tượng được thụ hưởng, nhằm giúp hộ dân tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2024, xã Long Bình tiếp nhận nguồn vốn từ Chương trình 375 triệu đồng và xã đối ứng thêm 32 triệu đồng. Từ số tiền trên, xã đã hỗ trợ đến đối tượng được thụ hưởng nuôi bò sinh sản, nuôi heo sinh sản, nuôi vịt xiêm Pháp, nuôi dê, nuôi ong lấy mật, nuôi gà… Hầu hết các mô hình triển khai đến hộ dân đều thực hiện khá thành công, trong đó nổi bật nhất là mô hình nuôi vịt xiêm Pháp và nuôi ong lấy mật.

Ông Châu Minh Tần, ấp Mỹ Hương, xã Long Bình là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, nguồn thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhận được hỗ trợ từ Chương trình gồm 200 con vịt xiêm Phát, thức ăn cho vịt, sau 3 tháng nuôi, ông Tần bán hết đàn vịt, thu lợi nhuận 20 triệu đồng.

Ông Châu Minh Tần, ấp Mỹ Hương, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) nuôi vịt xiêm Phát cho thu nhập khá. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Châu Minh Tần cho biết:

Mặc dù lần đầu nuôi vịt xiêm Pháp nhưng tôi rất tự tin vì trước khi cung cấp giống, xã đã phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi vịt nên đa số hộ dân đều am hiểu cách nuôi. Ngoài hỗ trợ con giống, kỹ thuật, đơn vị chuyên môn của địa phương còn hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại; cách phòng tránh các dịch bệnh trong thời điểm giao mùa và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trên vịt trong suốt quá trình nuôi, đảm bảo vịt luôn khỏe mạnh cho đến khi xuất bán.

“Tôi đã dùng số tiền lợi nhuận từ bán vịt đợt được hỗ trợ để tái đàn vịt xiêm Pháp là 200 con. Hiện tại, đàn vịt đã hơn 60 ngày tuổi, dự kiến 1 tháng nữa sẽ xuất bán. Giá vịt được thương lái thu mua tại hộ từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. So với chăn nuôi các con vật khác thì nuôi vịt xiêm Pháp dễ, nhẹ công chăm sóc, vịt ít gặp dịch bệnh. Để nuôi vịt thành công thì cần xây dựng chuồng nuôi thông thoáng; cung cấp thức ăn đầy đủ, hợp vệ sinh; chuồng nuôi phải được dọn dẹp thường xuyên và tiêm phòng vắc xin đầy đủ”, ông Tần chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Hợp (bìa trái), ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) bên thùng ong mật được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là hộ được hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Hợp, ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình đã nhận được 10 thùng ong Ý nuôi lấy mật từ năm 2022. Ông Hợp chia sẻ: "Khi tiếp nhận 10 thùng ong lấy mật, tôi đã đặt các thùng ong phía sau nhà để cho ong tự do đi kiếm mật tại cánh rừng tràm của Phân trường Thạnh Trị, cách đó tầm 1km. Nhờ cánh rừng tràm tự nhiên, với nguồn mật hoa dồi dào nên đàn ong nuôi 1 tháng lấy mật lên đến 3 lần, với sản lượng mật hơn 54 lít/tháng. Mật ong tràm có giá từ 450.000 - 500.000 đồng/lít, đem về nguồn thu hơn 24 triệu đồng/tháng".

"Thông thường, với con ong Ý sẽ nuôi cho mật quanh năm nhưng do không có phương tiện di chuyển đi nơi khác để cho ong lấy mật nên tôi chỉ chờ mùa hoa tràm đến để thu hoạch mật ong. Do đó, với 10 thùng ong Ý, bình quân 1 năm tôi thu hoạch mật tầm 5 tháng, thu về số tiền hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, tôi mong muốn mở rộng mô hình nuôi ong mật nhưng do đầu ra còn hạn chế nên chỉ duy trì 10 thùng ong để bán lẻ và bán cho bà con địa phương", ông Hợp cho hay.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết:

Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xã tiếp nhận và huy động được hơn 735 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương chiếm 50%, còn lại là nguồn vốn của địa phương và của người dân đối ứng. Với nguồn vốn được phân khai từ Trung ương và cùng với việc lồng ghép thêm các nguồn vốn khác từ các chương trình, dự án, xã đã chủ động xây dựng hàng loạt các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… cho các đối tượng thụ hưởng.

Từ đó, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, bởi đa số người dân tiếp cận nguồn vốn đều đã có thu nhập tốt và hầu hết duy trì và phát triển tốt các mô hình sau đợt hỗ trợ đầu tiên. Để nâng cao đời sống hộ dân đã được hỗ trợ từ Chương trình, xã sẽ tiếp tục quan tâm đến quá trình người dân thực hiện mô hình, hướng dẫn kịp thời trong quá trình sản xuất cũng như có những định hướng về phát triển kinh tế hiệu quả, giúp hộ thoát nghèo bền vững…

THÚY LIỄU