Tháo gỡ các vướng mắc để nâng hạng thị trường chứng khoán

19:57, 29/10/2024

NDO - Việc sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Sáng 29/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán

Đối với Luật Chứng khoán, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ việc hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hủy bỏ đợt chào bán.

Việc sửa đổi một số điều nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Dự thảo Luật cũng đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đối với Luật Kiểm toán độc lập, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính.

Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế.

Thứ ba, mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.

Với 3 nhóm mục tiêu nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; những người không được đăng ký, tiếp tục hành nghề kiểm toán.

Đồng thời, sửa đổi nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc.

Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 của luật hiện hành.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 29/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Các đại biểu dự phiên họp sáng 29/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền.

Tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

Về Luật Kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm tra cho rằng việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung khoản 5 Điều 37 là các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn là cần thiết.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ cần xác định rõ phạm vi các đối tượng kiểm toán bắt buộc, tránh tình trạng có quá nhiều đối tượng phải kiểm toán, bảo đảm việc điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc cần tương xứng với nguồn lực kiểm toán độc lập, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

VĂN TOẢN/BÁO NHÂN DÂN