“Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long - giai đoạn 1”

THẠCH PÍCH 11:39, 22/11/2024

STO - Đó là chủ đề buổi lễ tổng kết dự án, do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Ban Quản lý Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) thị xã Vĩnh Châu đồng tổ chức vào sáng ngày 22/11, tại Thị ủy Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đến dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các tổ chức, nhà tài trợ và lãnh đạo UBND thị xã Vĩnh Châu.

Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của cộng đồng ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 1” (gọi tắt là Dự án B4) được Bộ Bảo vệ Khí hậu, Môi trường và Sáng tạo của Cộng hòa Áo (BMK) thông qua Tổ chức Bánh mì cho Thế giới cùng ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) đồng tài trợ. Đơn vị thực hiện là AFV và UBND thị xã Vĩnh Châu. Dự án hướng tới việc giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của các cộng đồng ven biển tại Sóc Trăng.

Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Sau gần 3 năm thực hiện dự án, ActionAid và Quỹ AFV đã triển khai dự án tại 3 xã: Lạc Hòa, Vĩnh Hải và Lai Hòa đã mang lại nhiều tác động tích cực đến đời sống của người dân tại địa phương. Mục tiêu chung của dự án là góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu với tác động tiêu cực của biến đối khí hậu của các cộng đồng ven biển tại Sóc Trăng”.

Dự án đã được triển khai thực hiện, với 105ha rừng ngập mặn được trồng và cải tạo mới với tỷ lệ sống của cây trồng mới rất cao, đạt 95%; tỷ lệ hấp thu các-bon của cây rừng tăng 22,8%; 1.400 hộ gia đình đã được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp và ngắn hạn 1 năm để bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới rừng, nhờ đó, thu nhập trung bình tăng 40%; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm 85,7%.

Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu trao tặng giấy khen của UBND thị xã Vĩnh Châu cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham gia Dự án B4. Ảnh: THẠCH PÍCH

Phát biểu tại lễ tổng kết dự án, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, đặc biệt là các cộng đồng ven biển, dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về sinh kế, xã hội và môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Chia sẻ về quá trình tham gia dự án ngay từ những ngày đầu, chị Kim Thị Điệp - phụ nữ Khmer, thành viên Tổ bảo vệ rừng ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) cho biết: “Ban đầu, mình tham gia trồng rừng ngập mặn, sau thấy mọi người đo carbon, mình thích quá nên cũng xin tham gia, vậy là vừa trồng rừng, vừa đo carbon rừng. Muốn đo được phải làm rất nhiều bước, đo nhiều lớp, nhưng rất thích. Bà con ở đây ai cũng rất mừng khi người dân ven biển có thể tự đo đếm được carbon, lại có tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng ra thế giới”.

Sóc Trăng là tỉnh có 72km đường bờ biển tạo điều kiện cho rừng ngập mặn phát triển. Tính đến năm 2023, rừng phòng hộ ven biển của tỉnh có diện tích là 6.814ha, chủ yếu là rừng ngập mặn phân bố chính ở 3 địa phương: thị xã Vĩnh Châu (4.319ha), huyện Cù Lao Dung (1.784ha) và huyện Trần Đề (684ha). Đây là lá chắn quan trọng bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân khu vực ven biển, có ý nghĩa to lớn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhà báo Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ AFV cho biết: “Dự án được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm và thành công của AFV trong công tác trao quyền cho các nhóm bị lề hóa và dễ bị tổn thương, cũng như thành tựu của AFV trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả này có được là do cộng đồng đã được nâng cao nhận thức cũng như năng lực trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng một cách bài bản và có trách nhiệm. Từ đó, chính cộng đồng cũng được hưởng những lợi ích rất thiết thực và ngọt ngào mà rừng đã mang lại cho họ thông qua các mô hình sinh kế thành công như nuôi ong, các sản phẩm đặc sản của địa phương từ sản vật của rừng như mắm tép, muối ba khía, khô cá, khô tôm… giúp cộng đồng cải thiện sinh kế, từ đó thêm yêu rừng, gắn bó với rừng”.

THẠCH PÍCH