Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC |
Tại hội nghị, đồng chí Lê Tiến Đạt - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Luật PCTN. Cụ thể, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương còn tiến hành 36.112 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; phát hiện 1.900 vụ việc và 2.670 người vi phạm; đã xử lý hành chính 788 người; chuyển xử lý hình sự 69 người; kiến nghị thu hồi 483,3 tỷ đồng, đã thu hồi 177,7 tỷ đồng.
Về công tác thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28,321ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng 5.516ha đất; xuất toán, loại bỏ giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 299.407 tỷ đồng, 12.183ha đất; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng…
Tại hội nghị, các đại biểu một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tham luận về kết quả thực hiện pháp luật về PCTN và những hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về PCTN.
Phát biểu tổng kết, đánh giá, đồng chí Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, sau 5 năm thi hành Luật PCTN, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác này đã có những bước tiến quang trọng, mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đánh giá cao. Từ đó khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN tiêu cực. Xác định rõ PCTN tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, gắn PCTN tiêu cực với phòng, chống lãng phí; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực…
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin