Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác, đa số là do Chính phủ trình. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới...
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC |
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nghe Chính phủ báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tham luận và phát biểu ý kiến liên quan đến các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế để phát triển là vấn đề vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Từ những yêu cầu cấp thiết đó, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung nguồn lực, dành nhiều thời gian cho công tác hoàn thiện thể chế. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV rõ ràng và dễ áp dụng, từ đó kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước sớm hoàn thiện các kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết và tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Đặc biệt đối với Bộ Tư pháp phải tích cực phối hợp Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời…
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin