Chợ truyền thống cần thay đổi để phù hợp xu thế mới

04:54, 25/04/2024

STO - Chợ truyền thống không chỉ là nơi giao thương hàng hóa của người dân mà còn là nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, miền, địa phương. Chợ truyền thống tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều hình thức kinh doanh nở rộ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, mua bán online… thì chợ truyền thống dần mất thị phần. Vì vậy, đòi hỏi chợ truyền thống phải thay đổi để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế mới.

Theo nhận định của Sở Công Thương Sóc Trăng, chợ truyền thống hiện vẫn chiếm ưu thế và chiếm thị phần lớn trong thị trường bán lẻ của địa phương. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 115 chợ (giảm 22 chợ so với năm 2018), gồm: 39 chợ thành thị và 76 chợ nông thôn (giảm 6 chợ thành thị, 16 chợ nông thôn so với năm 2018). Trong đó, có 1 chợ hạng I, 15 chợ hạng II, 66 chợ hạng III, 31 chợ tạm, 1 chợ nổi (hiện không còn hoạt động) và 1 chợ đêm. Trong 115 chợ nêu trên, hiện có 6 chợ do doanh nghiệp quản lý; 42 chợ do ban quản lý chợ quản lý; 21 chợ do tổ quản lý chợ quản lý; 46 chợ do cán bộ xã quản lý. Trong đó, số chợ hoạt động hiệu quả chiếm đa phần. Các mặt hàng được các tiểu thương và người dân kinh doanh tại chợ rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu là thực phẩm tươi sống; rau, củ, quả; đồ gia dụng; hàng may mặc; gia vị; thực phẩm khô; hóa mỹ phẩm… phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thực phẩm tươi sống là mặt hàng thế mạnh của chợ truyền thống. Ảnh: HOÀNG LAN

Tại thành phố Sóc Trăng, chợ truyền thống hoạt động sôi nổi. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 chợ với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa gần 1,8 tỷ đồng. Hiện thành phố có 8/12 chợ hoạt động hiệu quả.  Các chợ cũng được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương, các điểm chợ đều gần các trục đường giao thông nên thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa. Đặc biệt, thành phố xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức tiểu thương kinh doanh, tạo lòng tin của người dân vào chợ truyền thống.

Tuy nhiên, hiện công tác xã hội hóa chợ của thành phố gặp khó do doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quan tâm đến việc đấu thầu chợ; các hộ tiểu thương không tha thiết tham gia hợp tác xã chợ. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách thành phố còn hạn chế nên chỉ đầu tư các chợ hạng I, hạng II khá hoàn chỉnh các hạng mục chính và các công trình phụ trợ; còn đối với một số chợ hạng III nguồn thu chợ để lại không đủ để phục vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ, nhất là đầu tư về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, hệ thống thoát nước… đã phần nào ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chợ truyền thống.

Khó khăn của thành phố Sóc Trăng cũng là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh. Theo khảo sát của Sở Công Thương, hiện nay, nhiều chợ tại các phường, thành phố đã xuống cấp nhưng không thuộc đối tượng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và cũng khó kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư. Hầu hết các công trình chợ nông thôn do xã quản lý (chợ hạng III) chưa đáp ứng quy định kỹ thuật. Các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố mặc dù có doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp xúc, tạo sự đồng thuận với thương nhân tại chợ nên không chuyển đổi được mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý tại các chợ này. Tình trạng chợ họp không đúng quy hoạch, tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quanh khu vực chợ còn phổ biến gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chợ trong quy hoạch, mỹ quan khu vực chợ, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… đang là vấn đề nan giải.

Để chợ truyền thống tồn tại, phát triển, ngoài hạ tầng cơ sở thì việc tiểu thương kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… là chìa khóa để thành công. Ảnh: HOÀNG LAN

Song song đó, hiện nay các loại hình kinh doanh mới, hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chợ truyền thống. Chia sẻ từ quản lý chuỗi cửa hàng bách hóa tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, doanh số bán hàng bình quân hằng tháng các cửa hàng đạt trên dưới 2 tỷ đồng, tăng so với trước đây. Qua đó, có thể thấy, xu hướng tiêu dùng của người dân dần thay đổi. Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, tại tỉnh Sóc Trăng hiện có 2 trung tâm thương mại, 45 siêu thị, hơn 60 cửa hàng tiện lợi, góp phần tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Anh Minh - tiểu thương kinh doanh tại chợ Phường 2 (còn gọi là chợ Nhật Lệ), thành phố Sóc Trăng, bộc bạch, so với trước đây chợ được đầu tư khang trang hơn nhưng việc buôn bán có phần “ế ẩm”, bởi người dân có nhiều lựa chọn hơn trong mua hàng hóa. Còn chị Tha - tiểu thương tại chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng cho biết, thay vì bán các loại rau cải được trồng tại địa phương thì nay chị nhập về nhiều loại rau, củ, quả cao cấp hơn từ Đà Lạt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, chị đăng bán hàng trên trang mạng Zalo và giao hàng tận nhà. Đối với người tiêu dùng, gần đây họ chọn mua hàng tại các siêu thị dù giá có cao hơn so với chợ truyền thống nhưng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ; thực phẩm tươi được bảo quản đúng cách (bảo quản trong tủ mát); giá cả niêm yết rõ ràng…

Như vậy, để tồn tại, phát triển và đủ sức cạnh tranh với các loại hình kinh doanh mới, chợ truyền thống cần phải thay đổi từ hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong. Ngoài đầu tư của Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tư nhân phát triển hạ tầng chợ; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng chất lượng, hiệu quả; đặc biệt cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tiểu thương trong đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; kỹ năng bán hàng văn minh, lịch sự… sẽ góp phần đưa chợ truyền thống bắt kịp xu thế, đồng thời lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương.

HOÀNG LAN