Kinh doanh thương mại điện tử trở thành xu hướng
Để người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng thông tin chính thức đối với các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Mỹ Duyên (Phường 6, thành phố Sóc Trăng) thông qua nền tảng số, doanh nghiệp này đã chủ động thành lập website để quảng bá sản phẩm. Đại diện doanh nghiệp, anh Hứa Quốc Thái cho biết, trước đây công ty chủ yếu bán hàng theo kiểu truyền thống (trực tiếp) nhưng nhận thấy không còn phù hợp nên phải thay đổi. Hiện công ty thành lập chính thức trên website và có đăng ký Bộ Công Thương theo đúng quy định. Tất cả sản phẩm đều được công ty đăng công khai về giá cả, nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
Theo chị Lê Thị Cẩm Trang - nhân viên phụ trách kinh doanh Công ty Cổ phần Tin học Trần Lâm (Phường 1, thành phố Sóc Trăng), ngoài kinh doanh truyền thống, công ty còn bán hàng qua website và trang mạng xã hội Zalo. “Người tiêu dùng dễ tiếp cận, thu hút nhiều lượng khách ở nhiều nơi, có thể mua hàng tại nhà… Nhờ đó, lượng khách mua hàng của công ty thông qua các nền tảng số tăng từng ngày. Và để giữ chân, tạo niềm tin cho khách hàng, công ty luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu” - chị Trang thông tin.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra website kinh doanh tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Mỹ Duyên, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN
Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, anh Nguyễn Tất Nhật Minh - chủ hộ kinh doanh Minh Phương store (Phường 3, thành phố Sóc Trăng), ngoài xây dựng website để khách hàng dễ mua sản phẩm thì trang Fanpage (Facebook) cũng được anh Minh lập ra để tương tác với khách hàng. Theo anh Minh, khi khách hàng thống nhất chọn mua một sản phẩm nào đó, anh sẽ đóng gói cẩn thận và chuyển đến khách một cách nhanh chóng với nhiều hình thức thanh toán tiện ích, chất lượng hàng hóa được đảm bảo. Do vậy, lượng khách mua hàng thông qua các nền tảng số tại cửa hàng hiện đang phát triển rất tốt.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, hiện hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số dần trở thành xu hướng và là kênh mua bán không thể thiếu của người dân. Thời gian qua, để tăng cường quản lý về lĩnh vực này theo tinh thần Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Cục Quản lý thị trường thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử; đồng thời các phòng, đội quản lý thị trường trực thuộc thực hiện các hoạt động thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử và các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng cấm trên môi trường thương mại điện tử để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 11 vụ, qua đó đã xử lý hành chính 11 vụ, thu phạt gần 230 triệu đồng; tiêu hủy gần 230 các loại hàng hóa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Công tác quản lý về thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Tổng cục Quản lý thị trường cùng sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, kiểm soát về thương mại điện tử vẫn còn một số khó khăn, thách thức.
Đơn cử như việc kiểm tra, xử lý về thương mại điện tử phát hiện qua hoạt động kinh doanh trên ứng dụng Zalo, Facebook, Tiktok… còn gặp nhiều khó khăn, do các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa, thường không có địa điểm kinh doanh cố định, có trường hợp hàng hóa không có tại điểm kinh doanh mà người bán chỉ đặt hàng từ địa chỉ mua bán khác khi người mua có yêu cầu. Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng có thể dễ dàng tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ nhằm đối phó cơ quan chức năng… nên gây khó khăn cho công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Một số website đăng ký tên miền quốc tế như “.com”, “.us”, “.net”… thì còn gặp khó khăn trong quá trình xác định thông tin về chủ sở hữu, sử dụng website để làm căn cứ xử lý vi phạm, do nhu cầu của người đăng ký cũng như dịch vụ của nhà cung cấp, các website này có thể ẩn hoàn toàn nội dung thông tin về chủ sở hữu, sử dụng website khi tra cứu thông tin. Đồng thời, quá trình kiểm tra nếu website thiếu thông tin và các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm không hợp tác trong quá trình kiểm tra dẫn đến không có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sở hữu và sử dụng website để xác định đối tượng xử phạt. Hầu hết hàng hóa giao dịch không có hóa đơn, chứng từ, không có chứng cứ cụ thể, nhiều chủ thể bán hàng là cơ sở nhỏ lẻ, cá nhân sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin, trinh sát, truy tìm dấu vết để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, sản phẩm... theo hình thức truyền thống, thương mại điện tử và cả nền tảng số. Ảnh: HOÀNG LAN
Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền, gần đây hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tuyến trên không gian mạng cũng diễn ra khá phổ biến, đa dạng về hình thức, liên quan đến nhiều lĩnh vực, mặt hàng… đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, công tác quản lý về lĩnh vực này dù khó mấy cũng phải làm. Thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử áp dụng, thực thi trên thực tế. Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số để người dân có kiến thức nhận biết khi mua sắm trên không gian mạng. Qua đó vận động người dân không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả; kịp thời báo tin cho các cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thực hiện chức năng quản lý và có giải pháp để có thể làm chủ được công nghệ; tăng cường việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo ra các công cụ kỹ thuật đủ mạnh để có thể phân tích, đánh giá, tính toán giám sát các hoạt động thương mại điện tử. Đây là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng…
Ngoài các giải pháp của các ngành chức năng, chính người tiêu dùng cũng phải tự trang bị cho mình lượng kiến thức nhất định khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin