Nhớ Bác ngày này, năm xưa: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng"

TRỌNG NHÂN 09:41, 08/09/2024

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam vào buổi chiều ngày 8/9/1962, với tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, Bác nêu ra vài ý kiến góp ý đối với nghề làm báo. 

Tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

NHIỆM VỤ CỦA BÁO CHÍ LÀ PHỤC VỤ NHÂN DÂN, PHỤC VỤ CÁCH MẠNG 

Nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Trong giai đoạn lúc bấy giờ, theo Bác, đó chính là, ở miền Bắc phải phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Diệm bán nước; đấu tranh giành cơm áo, tự do, và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trên thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; đấu tranh cho hòa bình thế giới, cấm vũ khí nguyên tử và giải trừ quân bị.

Người khẳng định, đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta.

Bác nhấn mạnh, phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.

 

Những lời dạy cụ thể của Người về phê bình của báo chí có ý nghĩa rất quan trọng trong mọi thời đại. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình.

Người cũng lưu ý đối với một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi.

Bác xung phong phê bình các báo đó là, bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng. Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau,… Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng. Bác dẫn chứng rất nhiều từ, ngữ mà phóng viên báo lúc bấy giờ dùng không chính xác.

CÁN BỘ BÁO CHÍ CŨNG LÀ CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG

Người khẳng định, báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết. Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem?”. “Viết để làm gì?”. “Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Bác nhấn mạnh, nhà báo:

Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt rồi”. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.

Theo Bác, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Kết thúc phát biểu, Bác nêu: “Lời ngắn, ý dài. Cuối cùng chúc các cô, các chú: Đoàn kết, phấn khởi, cố gắng và tiến bộ!”.

 
Kế thừa lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt đối với các cơ quan báo chí nói chung và đội ngũ làm báo nói riêng. Từ đó, đòi hỏi những người làm báo chí cần phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước và bảo vệ nhân dân.,

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 8, trang 219, 220.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011: tập 13, trang 463 - 466.