Bác phấn khởi vì thấy các học viên khỏe mạnh, học tập có kết quả. Trước tiên, Bác khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”. Để minh chứng cho điều này, Người dẫn chứng, ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Cụ thể là đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười năm mới đuổi được quân Minh. Rồi đến các cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm và tiếp nối là cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bác cũng nêu lên lý do của sự gian khổ trong các cuộc kháng chiến đó là do địch càng thất bại lại càng hung ác. Địch như con thú dữ sắp chết sẽ lồng lên cắn xé ta hơn trước. Nên càng gần thắng lợi lại càng gian khổ. Người cũng so sánh cuộc kháng chiến của nhân dân ta như cuộc kháng chiến của Liên Xô và Trung Quốc, cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.
Phân tích thêm về những điều nêu trên, Bác cho rằng, phe đế quốc ngày càng xuống dốc, lực lượng dân chủ ngày càng lớn mạnh. Sau Đại chiến thứ hai, Mỹ đưa bom nguyên tử ra dọa thế giới. Vừa rồi Liên Xô tuyên bố cũng có bom nguyên tử, nhưng bao giờ cũng bằng lòng hủy bỏ bom nguyên tử và cấm dùng bom nguyên tử. Cách mạng Trung Quốc thành công làm lực lượng dân chủ mạnh hơn lực lượng đế quốc.
Để từ đó, Bác khẳng định một cách biện chứng rằng:
“Tổ tiên ta đã thắng lợi, Liên Xô, Trung Quốc đã thắng lợi, dân chủ mới trên thế giới thắng lợi, nhất định ta sẽ thắng lợi. Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Các chú phải thấm nhuần và làm cho toàn thể bộ đội, đồng bào thấm nhuần như vậy. Có như thế mới tin tưởng mà vượt mọi khó khăn để giành thắng lợi cuối cùng”.
Ngoài nội dung quan trọng trên, Bác cũng đề cập đến những khuyết điểm của cán bộ ta lúc bấy giờ và lấy một bệnh cá nhân để phân tích rõ tai hại của nó. Người cho rằng, chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở. Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Do đó mà đáng lẽ thắng to thì chỉ giành được thắng nhỏ và thắng rồi không phát triển được. Quân đội ta là quân đội dân chủ, nhưng dân chủ không phải là không có mệnh lệnh. Mỗi mệnh lệnh đưa xuống, cấp trên đã thảo luận cân nhắc kỹ càng nên cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng và kiên quyết chấp hành, nhất là lúc tác chiến.
Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó khăn. Mọi việc đều khó khăn. Đánh giặc lại càng khó khăn hơn. Nếu dễ thì ai làm cũng được. Không phải chờ đến các chú. Vì vậy gặp khó khăn phải cố vượt cho bằng được thì nhất định thắng lợi.
Đề cập đến việc học tập chính trị và quân sự, Bác khuyên các học viên phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự vì quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Những điều mà Người chỉ ra trong học tập chính trị đó là học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng tức là thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Người cũng chỉ ra rằng, học viên phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu, v.v... Ngoài việc học tập chính trị và quân sự, Bác cũng nhấn mạnh việc học tập kinh nghiệm cách mạng của các nước anh em, cụ thể là cuộc cách mạng của Liên Xô và Trung Quốc.
Một trong những nội dung mà Người căn dặn tiếp theo đó là, cán bộ thương yêu chiến sĩ. Cán bộ phải chăm lo đội viên đủ ăn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc.
Người cũng dành thời gian để nói về đạo đức cũ và đạo đức mới. Theo Bác, đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Sự khác biệt mà Người phân tích về chữ cần, kiệm, liêm, chính mà chế độ phong kiến ngày xưa nêu ra nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước, cho dân. Bác cũng phân tích thế nào là cần, kiệm, liêm, chính đối với bộ đội và khẳng định, Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó.
Tự phê bình cũng ví như người ốm yếu nói rõ chứng bệnh của mình với thầy thuốc. Nếu giấu bệnh thì thầy thuốc không biết bệnh mà cho thuốc.
Kết thúc bài nói chuyện Bác nêu, ta phải học tập chính trị quân sự, phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ thì sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn và sẽ làm cho cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.
Sinh thời, Bác rất quan tâm đến lực lượng vũ trang, trong đó có bộ đội. Bài nói chuyện dành cho bộ đội là học viên Trường Chính trị Trung cấp quân đội (nay là Học viện Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng) ngoài thể hiện tình cảm cao quý của người dành cho bộ đội còn giúp chúng ta học được nhiều vấn đề quan trọng trong thời đại ngày nay.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
[1] Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1962, tr.119 - 126.
[2] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 88.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 7, trang 215 - 222.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin