Ký ức về Đề án xin thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ

CTV 04:57, 06/12/2024

STO - Ngày 15/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 675/TTg, giao Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Theo đó, ngày 7/12/1994, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 3597/QĐ.TCCB thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, với nhiệm vụ vừa dạy bổ túc văn hóa (từ cấp I đến cấp III), vừa dạy chữ Pali và chữ Khmer nhằm đào tạo cán bộ người dân tộc Khmer trong khu vực Nam Bộ. Trường được hưởng chế độ như trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT).

Đồng chí Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Sau khi có quyết định thành lập, trường đã hai lần thay đổi cơ quan chủ quản; theo Quyết định số 7922/QĐ- BGD&ĐT.TCCB, ngày 8/12/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trường trực thuộc Bộ GD&ĐT. Từ năm 2007 đến nay, theo Quyết định số 842/QĐ-TTg, ngày 4/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trường trực thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng. Việc hình thành, phát triển của trường có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào dân tộc và Phật giáo Nam tông Khmer.

Vùng dân tộc ở Nam Bộ đến cuối thập niên 80 thế kỷ XX tuy có chuyển biến mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 nêu: “Từ năm 1975 tới nay, tình hình kinh tế - xã hội, chính trị các vùng đồng bào Khmer có những chuyển biến mới. Tuy nhiên, đời sống mọi mặt của đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế. Nhiều vùng không có công trình thủy lợi, vẫn độc canh cây lúa, nhiều hộ nông dân thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nước sinh hoạt. Tệ cho vay nặng lãi, sang bán, cầm cố đất, mua lúa non phát triển ở vùng nông thôn. Thiếu đói thường xảy ra lúc giáp hạt và bị thiên tai. Số trẻ em suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng cúng lễ tốn kém còn nhiều. Sinh hoạt văn hóa nghèo nàn. Việc dạy chữ dân tộc chưa được quy định thống nhất, tỷ lệ người mù chữ và không được đi học lớn. Số học sinh vào đại học và trung học chuyên nghiệp người Khmer còn quá ít. Đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer, nhất là ở cơ sở phát triển chưa tương xứng, vừa thiếu về số lượng vừa kém chất lượng. Ở một số địa phương, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, gây hậu quả nặng nề về chính trị, tư tưởng, tình cảm, chính trị - xã hội trong đồng bào Khmer. Chính sách đối với đồng bào Khmer còn nhiều thiếu sót”.

Về GD-ĐT và tôn giáo, Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18/4/1991 nêu:

“Đi đôi với củng cố và phát triển các ngành học phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hóa, cần củng cố và phát triển các loại trường PTDTNT, trường thanh niên dân tộc ở các huyện, tỉnh có đông đồng bào Khmer… Nghiên cứu mở trường Pali cấp cao khi có điều kiện để dạy giáo lý cho sư sãi”.

Thực hiện nội dung trên, ngày 10/5/1993, đồng chí Huỳnh Cương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Phó Trưởng Ban Dân tộc Trung ương Đảng, Trưởng Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ tổ chức họp liên tịch với Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng. Cùng dự có đồng chí Tạ Quang Chài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT có đồng chí Phan Lệ Hồng (Giám đốc), đồng chí Lâm Es (Phó Giám đốc); Ban Dân tộc có đồng chí Thạch Minh Sóc (Trưởng ban); chư tăng có Hòa thượng Dương Nhơn - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh; Đại đức Tăng Nô - Phó Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Khléang. Về phía Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ, có đồng chí Sơn Minh Cảnh - Ủy viên Thường trực Phân ban; đồng chí Sơn Phước Hoan (giảng viên, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Trường Đại học Cần Thơ, tháng 9/1993 điều động sang làm Chánh Văn phòng Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ), được giao chấp bút xây dựng Đề án thành lập trường. Cuộc họp thống nhất đề xuất thành lập “Trường Pali Cấp cao” theo tên gọi của Chỉ thị số 68-CT/TW.

 

Xây dựng Đề án thành lập trường là việc bình thường của ngành GD&ĐT, nhưng việc đề xuất hình thành trường đặc thù, với mục đích nâng chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo giới chư tăng góp phần nâng cao dân trí, có kiến thức phổ thông, ngôn ngữ Khmer - Pali để thành giáo viên, cán bộ cho các tỉnh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Bộ là việc không dễ. Tuy việc kết hợp đào tạo nội dung tri thức về đạo với đời để nâng trình độ cho chư tăng của Phật giáo Nam tông Khmer đã có từ trước, nhưng chưa có chủ trương chung. Thời điểm đó, cơ sở pháp lý chỉ mới được phép dạy tiếng dân tộc tại các trường tiểu học, trường PTDTNT và các trường chùa nơi có điều kiện. Chỉ thị số 68-CT/TW chỉ cho chủ trương “Nghiên cứu mở Trường Pali Cấp cao khi có điều kiện để dạy giáo lý cho sư sãi”. Thực tế từ lâu, việc dạy học tiếng Khmer, Pali, Vini ở vùng dân tộc Khmer Nam Bộ thường tổ chức theo truyền thống tại các điểm chùa. Người học trước dạy cho người chưa học, dạy từ thấp đến cao; lớp học cơ động, chương trình, sách giáo khoa tùy từng địa phương, chưa có giáo viên được đào tạo qua trường sư phạm. Học xong, học viên chưa có bằng cấp hay giấy chứng nhận được xã hội công nhận. Do vậy, để xây dựng đề án này, rất cần có sự thống nhất về mục tiêu kế hoạch, kết cấu chương trình, sách giáo khoa, đối tượng học, đội ngũ giáo viên, thời gian đào tạo, tổ chức thi cử, chế độ chính sách đối với người dạy và học; khi tốt nghiệp, học viên được cấp giấy chứng chỉ hay bằng tốt nghiệp; trường lớp, chỗ ăn ở của học viên, tài liệu phục vụ dạy, học; việc tuyển sinh, trực thuộc cấp nào quản lý, điều hành…

Với quyết tâm chính trị cao, mong muốn sớm có quyết định thành lập trường, đồng chí Huỳnh Cương đề xuất với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan, yêu cầu xin mở trường theo hệ Bổ túc văn hóa từ lớp 6 - 12, đối tượng tuyển là chư tăng trẻ, con em dân tộc Khmer ở các tỉnh Nam Bộ, học xong chương trình tiểu học, sơ cấp Pali (Pali Roong). Việc tuyển sinh phối hợp giữa Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban Dân tộc, Tôn giáo và ngành giáo dục. Học viên học xong phải thi tốt nghiệp, được cấp bằng phổ thông trung học và chứng chỉ Trung cấp Pali, Khmer. Kế hoạch học 4 năm (năm thứ 1: lớp 6, 7; năm thứ 2: lớp 8, 9; năm thứ 3: lớp 10, 11 và năm thứ 4: lớp 12), mỗi năm tuyển 50 học viên thuộc các tỉnh Nam Bộ. Chương trình học có tỷ lệ 25% tiếng Khmer - Pali, 75% kiến thức phổ thông trung học theo chương trình Bổ túc văn hóa. Trong thời gian học, học viên ở nội trú tại chùa Khléang, giữ nếp sinh hoạt theo giới nhà sư, các chư tăng tổ chức đi khất thực khu vực gần trường, đề xuất xin cấp học bổng như hệ PTDTNT. Thời gian khai giảng và nghỉ lễ của trường cần chú ý theo tập quán nhập hạ, các lễ lớn của dân tộc, tôn giáo.

Tài liệu học tập phần kiến thức Bổ túc văn hóa trường cho mượn, phần tiếng Khmer, Pali, Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ mời chuyên gia biên soạn, thông qua Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên do Sở GD&ĐT Sóc Trăng cử sang. Giáo viên tiếng Khmer - Pali chọn từ các chư tăng, giáo viên và số trí thức Khmer đã học các lớp trung cao cấp Pali từ trước; tài liệu phục vụ dạy, học yêu cầu trích phần đạo đức luận trong Bộ Đại tạng Kinh, ngữ pháp Pali (do Viện Phật giáo Campuchia xuất bản). Trích nội dung phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều kiện tu hành, học tập của người dân và chư tăng Khmer. Theo đó, Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ thống nhất với tỉnh Sóc Trăng báo cáo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương có liên quan và lần lượt thuyết minh, giải trình bổ sung cho đến khi đề án được duyệt. Đồng chí Huỳnh Cương nhiều lần phải báo cáo, chịu trách nhiệm với các cấp có liên quan. Ngày 19/5/1993 gửi báo cáo cho Bộ trưởng GD&ĐT, Công văn số 19/PBDT-93 về đề án xin thành lập trường; ngày 19/5/1994 đề xuất với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Công văn số 11/PBDT-94 về xin in ấn tài liệu tiếng Pali; ngày 20/8/1994, báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Công văn số 48/CQĐD-94, đề nghị ban hành quyết định thành lập trường; ngày 25/4/1994, thư gửi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt xin công nhận pháp lý, kinh phí hoạt động, bổ sung cơ sở vật chất cho Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng.

Quyết tâm cao, khẩn trương xin thành lập trường không chỉ đáp ứng yêu cầu học tập của chư tăng, mà còn là để thực hiện chủ trương của Chỉ thị số 68-CT/TW và đấu tranh chống các thế lực xấu lợi dụng, kích động chư tăng trẻ muốn đi sang Campuchia, gây phức tạp tình hình, lấy cớ ở Nam Bộ không có trường học. Nên, sau cuộc họp tại Sóc Trăng ngày 10/5/1993, dù đề án chưa hoàn thiện, các đồng chí lãnh đạo cũng thống nhất chỉ đạo cho chiêu sinh mở lớp. Sau một thời gian ngắn, tỉnh đã chọn cử được khoảng 50 chư tăng đủ điều kiện học. Do chưa có cơ sở vật chất, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng (đồng chí Lê Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) cũng đồng ý cho tạm mượn kinh phí, cơ sở chùa Khléang và Trường Pali cũ để mở lớp. Ngày 1/7/1993, thống nhất tổ chức khai giảng lớp học đầu tiên tại Trường Pali, thị xã Sóc Trăng.

Ngày 7/12/1994 có quyết định thành lập, nhưng trường vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Quá trình này, Luật Giáo dục cũng sửa đổi; chính sách, quy chế hoạt động của trường PTDTNT điều chỉnh; nội dung kiến thức thuộc 75% phần bổ túc văn hóa phải cập nhật theo chương trình mới. Trường tiếp tục thay đổi cơ quan chủ quan, chương trình, nội dung và quy chế hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nên sau khi có quyết định thành lập, trường đã điều chỉnh quy chế, bổ sung cơ chế, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện hoạt động. Chương trình đào tạo, kế hoạch, tài liệu dạy, học và các thủ tục pháp lý khác cũng hoàn thiện dần. Đến nay, trường được ổn định, đi vào nề nếp, có bước phát triển mới. Năm 2005, Bộ GD&ĐT chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn Khmer, tiếng Pali; được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 20/8/2005; ngày 22/9/2005, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 5327/QĐ-BGD&ĐT về Chương trình Ngữ văn Khmer trung học và Quyết định số 5328/QĐ-BGD&ĐT về Chương trình Pali Trung cấp thực hiện tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Ngày 16/1/2007, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 299/QĐ-BGD&DT phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Theo đó, điều chỉnh bổ sung số tiết và thời gian học văn hóa của trường; Chương trình Bổ túc Trung học cơ sở, chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm đối với các lớp 10, 11, 12 và chương trình tiếng Pali, Ngữ văn Khmer dạy, học theo Chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.

Đồng chí Lê Thanh Bình - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng chư tăng nghiên cứu mở trường Pali cấp cao.
Đồng chí Lê Thanh Bình - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng chư tăng nghiên cứu mở Trường Pali cấp cao.

Đến nay, cơ bản chương trình, kế hoạch, sách giáo khoa, quy chế hoạt động của trường đã ổn định, có bước phát triển về chất. Từ chưa có trường, chưa có tiền lệ về kết hợp chương trình đào tạo đạo gắn với đời có tính đặc thù, nay đã hình thành được trường, có cơ sở pháp lý. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy, học, sinh hoạt được bổ sung, tăng cường theo quy định chung. Các khó khăn, bức xúc từng lúc được xử lý, giải quyết kịp thời, nhờ đó, chất lượng đào tạo, nội quy, quy chế hoạt động được nâng dần. Trường đã đào tạo được nhiều khóa; học viên tốt nghiệp ra trường không chỉ nâng thêm nhận thức, tiếp thu được tri thức khoa học kỹ thuật của bậc học phổ thông trung học, mà còn có kiến thức về Ngữ văn Khmer, tiếng Pali. Hiểu thêm giá trị đạo đức, tính nhân văn sâu sắc trong triết lý, văn hóa Phật giáo. Thấy rõ giá trị việc học tiếng Pali không chỉ phục vụ việc tu học kinh Phật giáo, mà còn hiểu thêm cách dùng tiếng Pali trong ngôn ngữ Khmer. Qua đó, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, tăng thêm số lượng học viên ở bậc học cao hơn và đội ngũ cán bộ dân tộc các cấp. Không chỉ tạo niềm vui trực tiếp cho chư tăng, cán bộ, viên chức nhà trường, mà còn tạo sự phấn khởi, niềm tin của đồng bào dân tộc, Phật tử Nam tông đối với chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Sự ra đời của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ đánh dấu giai đoạn mới về chất của việc kết hợp đào tạo giữa tôn giáo và thế học của Phật giáo Nam tông. Xóa mặc cảm, nhận xét không đúng về ngôn ngữ, chữ viết dân tộc và tiếng Pali. Nhận thức rõ hơn việc học tiếng Pali không chỉ để đọc kinh, hiểu văn hóa, triết lý nhân văn của Phật giáo, mà còn thấy rõ tiếng Pali là bộ phận quan trọng, cấu thành ngôn ngữ Khmer. Phần chương trình đào tạo với tỷ lệ 25% tiếng Khmer - Pali và 75% kiến thức từ lớp 6 - 12 của chương trình giáo dục thường xuyên, dù còn ý kiến khác nhau, nhưng nó là cơ sở tạo tiền lệ mới để tiếp tục nâng chất lượng đào tạo về lâu dài. Sách giáo khoa Ngữ văn Khmer, tiếng Pali dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng cũng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, làm cơ sở pháp lý để hoàn thiện về sau này.

Thành tích 30 năm qua tuy còn khiêm tốn, nhưng kết quả đạt được của trường rất có ý nghĩa. Là dấu son quan trọng trong việc thực hiện chính sách GDĐT đối với đồng bào Khmer, Phật giáo Nam tông, nhất là lĩnh vực hoạt động liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ Khmer, trong đó, có tiếng Pali. Khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nhất quán của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc hiệu quả của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, trực tiếp là Ban Dân tộc Trung ương Đảng (Phân Ban Dân tộc Trung ương Nam Bộ), Bộ GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ, sự đóng góp của phật tử chùa Khléang. Khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu của Ban Giám hiệu, thầy trò Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ; sự ủng hộ của các dân tộc, các tôn giáo, trực tiếp là đồng bào dân tộc và Phật tử Nam tông Khmer.

Hình thành được trường với chương trình đào tạo đặc thù là việc khó, để tiếp tục nâng chất lượng, đáp ứng xu thế phát triển của thời kỳ hội nhập càng khó hơn. Hy vọng với tinh thần “không bỏ ai ở lại phía sau”, bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành.

Chương trình, nội dung đào tạo, quy chế hoạt động sẽ được hoàn thiện thêm, liên thông giữa các cấp học, như tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư khóa XII về Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới:

“Xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với Trường Bổ túc Văn hóa Pali và chữ Khmer ở các cấp học và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer”. Được như vậy, sẽ góp phần thiết thực trong việc nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng số lượng lao động qua đào tạo và đội ngũ cán bộ am hiểu ngôn ngữ, văn hóa ở vùng dân tộc và Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng xu thế thời kỳ hội nhập của giai đoạn phát triển công nghệ số.

 Sơn Phước Hoan,
nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc