Cả nước đã xảy ra 1.964 trận thiên tai cực đoan

12:36, 10/05/2024

STO - Ngày 10/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo UBND các huyện: Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Năm 2023, tại nước ta, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.

Để ứng phó thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ủy ban Quốc gia và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi, nắm bắt sớm các tình huống thiên tai, đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá diễn biến để đưa ra các biện pháp ứng phó. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 204.507 lượt người/23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 vụ, cứu được 3.968 người, 207 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn; hướng dẫn cho 328.227 tàu/1.608.015 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh…

Tại hội nghị đại biểu đã thông tin về công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông khi thiên tai xảy ra; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai; công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới, vùng biển; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất; ứng phó thiên tai về hạn hán, xâm nhập mặn…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ban ngành và các địa phương tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, nhất là tại văn phòng thường trực các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó khẩn cấp và phòng chống thiên tai. Duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình chủ động ứng phó, khắc phục, xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ…

THÚY LIỄU