Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để lắng nghe, trao đổi về dự thảo nghị định, quy định: Chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng khu chung cư; chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; chi tiết một số điều của Luật Nhà ở.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: SỚM MAI
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng khu chung cư gồm 8 chương, 48 điều và các địa phương có ý kiến, đề nghị, đóng góp các vấn đề: giai đoạn đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; giai đoạn chuẩn bị dự án; thực hiện dự án; di dời, bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở chung cư; bồi thương, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án; kinh phí… Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm có 7 chương, 78 điều; các địa phương quan tâm một số vấn đề: lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; thẩm quyền quyết định chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công; bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm; nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; giá bán, giá thuê; trình tự thủ tục, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua, thuê, cải tạo; nhà ở lưu trú công nhân; nhà ở cho lực lượng vũ trang… Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở gồm 8 chương 95 điều; các địa phương đề xuất, kiến nghị liên quan: khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng; nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; các giai đoạn đầu tư dự án; nhà ở công vụ; nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; huy động vốn cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công; phân hạng nhà chung cư và một số vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, các địa phương còn đề xuất những vấn đề còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện liên quan đến Luật Nhà ở trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao cho bộ, ngành chuyên môn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đề xuất, đóng góp để các dự thảo nghị định khi ban hành không bị vướng mắc, dễ hiểu, dễ thực hiện đối người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin