Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 36 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động đối ngoại Cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký 16 văn kiện hợp tác song phương, nâng tổng số đối tác ở cấp này lên 7 nước; ký 45 văn kiện với Hàn Quốc, trong đó có 9 văn kiện cấp chính phủ về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán dẫn, công nghệ cao, hướng tới 150 tỷ USD kim ngạch thương mại vào năm 2030; Hàn Quốc cam kết tăng 15% hạn ngạch lao động Việt Nam ngay trong năm 2024, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tại 2 nước…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN
Thảo luận tại hội nghị, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ về cơ hội, thách thức và điểm sáng trong ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)… Qua đó, đề xuất xu thế hợp tác một số ngành nghề, lĩnh vực với các nước. Lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thông tin kết quả, kinh nghiệm, kiến nghị các giải pháp tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam với thế giới, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, đất nước.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển. Đạt được kết quả là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đóng góp, cộng đồng trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế thông qua công tác ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới đất nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2024 từ 6,5 - 7%, ngoài tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng số, hạ tầng xanh, chống biến đổi khí hậu; xây dựng hoàn thiện thể chế; nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành kinh tế mới nổi… thì ngoại giao kinh tế cần được tăng cường. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tập trung làm mới thương mại truyền thống và muốn làm được thì phải làm tốt công tác ngoại giao, xuất khẩu. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… bằng cách kết nối với thế giới thông qua công tác đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Các doanh nghiệp cũng chủ động sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp các nước để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm trong nước vươn ra thế giới. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành phải làm tốt công tác quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất. Các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố có giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, chuyển giao khoa học, nhất là ngành kinh tế mới nổi… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin