Sẽ đầu tư nhiều công trình cấp nước
Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh đã đặt ra một số vấn đề liên quan thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả cấp nước sạch nông thôn. Trả lời nội dung này, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đang quản lý, vận hành tổng cộng 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn, với tổng công suất được cấp phép là 115.008m3/ngày đêm, tổng chiều dài tuyến ống cấp nước đang quản lý hơn 3.579km, phục vụ cấp nước cho trên 147.618 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã, với lưu lượng nước cấp bình quân đạt khoảng 100 lít/người/ngày.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhìn nhận, công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nguyện vọng cử tri. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ngầm đang sụt giảm, một số nơi bị nhiễm mặn do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn; hệ thống các công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động quá tải; nguồn lực của Trung tâm Nước sạch và VSMTNT vẫn còn hạn chế; công tác lập thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường mới…
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn. Ảnh: SONG LÊ |
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã cũng thông tin, thực hiện theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg, ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 6 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm các xã: Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành), Hòa Tú 1, Ngọc Đông, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên), Vĩnh Thành (huyện Thạnh Trị), An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung); thực hiện mở rộng đường ống cấp nước với tổng chiều dài 1.489.411m, giải quyết nhu cầu nước sạch cho 29.576 hộ dân. Khi các công trình thuộc đề án được triển khai hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực cấp nước cho toàn bộ hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân trong thời gian tới.
Đẩy mạnh ứng dụng tiện ích thông minh
Đối với vấn đề cử tri đặt ra về thực trạng hoạt động và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng (IOC), đồng chí Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Trung tâm Giám sát điều hành được khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 11/1/2022 với 11 phân hệ, đến nay đã phát triển lên 16 phân hệ và 2 ứng dụng di động. 16 phân hệ gồm: hành chính công; cổng thông tin điện tử; văn bản điện tử; kinh tế xã hội; du lịch; y tế; giáo dục; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp; dân tộc; thông tin và truyền thông; khai thác cát; an sinh xã hội; camera giám sát; phản ánh hiện trường; bản đồ nền. 2 ứng dụng di động gồm: ứng dụng IOC; ứng dụng Công dân Sóc Trăng để phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Điển hình như hệ thống thông tin phản ánh hiện trường được vận hành ngày càng hiệu quả, đã góp phần tạo dựng và nâng cao hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, văn minh, tạo được lòng tin cho người dân. Từ khi triển khai chính thức vào tháng 9/2023 đến nay đã có 471 phản ánh, tiến độ xử lý đúng hạn hơn 88%, mức độ hài lòng, rất hài lòng của người dân đạt trên 85%.
Đồng chí Nguyễn Minh Chiến - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông trả lời về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SONG LÊ |
Tiến độ thực hiện truyền thanh thông minh nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Minh Chiến cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động theo ba phương thức chính là truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM và truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT - VT). Cụ thể, trên địa bàn cả tỉnh có 1.197 cụm loa có dây (48% đang hoạt động tốt); có 1.330 cụm loa không dây FM (40% đang hoạt động tốt); có 409 cụm loa CNTT - VT mới được đầu tư, thay thế từ năm 2021 đến nay (100% hoạt động tốt).
Sở Thông tin và Truyền thông đang tham mưu xây dựng kế hoạch, dự án thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung thiết lập mới và chuyển đổi từ công nghệ truyền thanh có dây, không dây FM sang ứng dụng CNTT - VT. Thực hiện chuyển đổi 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng CNTT - VT. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành quy định cụ thể về chế độ nhuận bút, thù lao đối với các sản phẩm truyền thông của cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng trả lời chất vấn về trách nhiệm quản lý, khai thác và sử dụng đất công; việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và giải pháp khắc phục thời gian tới; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.
SONG LÊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin