Tổ chức trình diễn dân gian “nhạc ngũ âm và múa rom vong” của người Khmer Sóc Trăng

21:42, 29/12/2023

STO - Chiều tối ngày 29/12, tại Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức trình diễn dân gian “nhạc ngũ âm và múa rom vong” của người Khmer Sóc Trăng năm 2023. Đến dự có đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; các diễn viên, nhạc công, nghệ nhân và đông đảo các học viên, học sinh.

Các nhạc công, nghệ nhân trình diễn dân gian nhạc ngũ âm. Ảnh: THẠCH PÍCH

Những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Thế nhưng, ở Sóc Trăng, nghệ thuật trình diễn dân gian đã biết dung hòa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, vừa để phục vụ nhu cầu khán thính giả, vừa đáp ứng các lễ hội dân gian, truyền thống của đồng bào Khmer, vừa góp phần phục hồi, duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có nhiều loại hình di sản nghệ thuật của dân tộc Khmer được tổ chức biểu diễn liên tục phục vụ tốt các ngày lễ, Tết cổ truyền dân tộc, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong cuộc sống sinh hoạt và phục vụ lễ hội của đồng bào Khmer...

 Trình diễn múa rom vong của người Khmer Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng Lưu Thanh Hùng cho biết: “Việc tổ chức trình diễn dân gian “nhạc ngũ âm và múa rom vong” của người Khmer Sóc Trăng nhằm tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đưa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Khmer ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng dân tộc. Những năm qua, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã tổ chức mở nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm và múa rom vong trên địa bàn tỉnh. Qua đó đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp cho con em đồng bào Khmer nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer”.

THẠCH PÍCH