Trước những tác động của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, có những trình thức gắn với cây nêu đã biến đổi và đứng trước nguy cơ mai một, cần được bảo tồn nhằm gìn giữ bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc.
Nét độc đáo nghi thức trình diễn cây nêu
Tiếng cồng chiêng âm vang bập bùng hòa lẫn tiếng mõ tre lách cách và nhịp bước rộn ràng của các thiếu nữ thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Những chàng trai Mường tướng mạo khôi ngô khỏe như cây rừng, mạnh mẽ như núi đá khiêng cây nêu để làm lễ. Lời mo Mường vang lên: “Con suối, con sông có nhiều nước là nhờ có mạch, có nguồn. Con người có anh có em cũng nhờ tổ tiên truyền nối”.
Để dựng cây nêu, các thanh niên trai tráng đi vào rừng khi trời mới rạng tìm cây tre thẳng mang về. Dọc thân nêu, người Mường treo các vật dụng như cuốc, bừa, dao được đan bằng tre, nứa để răn đe bọn quỷ. Phía trên ngọn cây nêu buộc những dải lụa nhiều màu để xua đi điều xấu, mang lại may mắn. Các nghi thức lễ tắm nêu, dựng nêu, cúng mời các ngài về, hoạt động vui hội quanh cây nêu lần lượt diễn ra.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường Bùi Hồng Nhi giới thiệu: “Dựng cây nêu là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ công lao của những người có công tạo lập đất Mường, xua đi ma quỷ, đón năm mới với mọi điều tốt đẹp”.
Đồng bào dân tộc Thái trắng ở Sơn La trình diễn nghi thức dựng cây nêu trong lễ Hết Chá.
Tục dựng cây nêu được hình thành trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số. Đó là sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, cầu mong mọi điều tốt đẹp, xua đi cái xấu. Các nghi thức trình diễn vừa có yếu tố tâm linh vừa mang đậm bản sắc văn hóa, chứa đựng trong đó nhiều thông điệp sâu sắc như: Lễ biết ơn thầy thuốc của người Thái đen (Lai Châu), cầu mong sức khỏe của người Ê Đê (Đắk Lắk), đón mừng năm mới nhớ ơn cội nguồn của người Mường (Thanh Hóa)...
Chuyên gia nghiên cứu dân tộc học, PGS, TS Bùi Minh Đạo (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Trong tâm thức tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, cây nêu gắn bó sâu nặng với những nghi thức trình diễn độc đáo. Đồng bào mong muốn duy trì lễ thức này để giữ nét đặc trưng văn hóa tộc người trước những tác động bên ngoài đang du nhập vào”.
Giữ gìn và trao truyền bản sắc văn hóa
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập và giao lưu, một số trình thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây nêu dần biến đổi và đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, việc gìn giữ những lệ tục tốt đẹp, loại bỏ hủ tục được ngành văn hóa các cấp quan tâm thực hiện với nhiều cách thức sáng tạo.
Với người Thái trắng ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lễ Hết Chá là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa khỏi bệnh, lễ tạ ơn thần linh giúp con người có cuộc sống ấm no. Từ năm 1963 đến 2004, lễ Hết Chá bị gián đoạn. Đồng bào rất muốn tổ chức nhưng không có điều kiện, trong khi số người biết thực hành nghi thức trình diễn trong lễ Hết Chá mai một dần. Trước thực trạng đó, ngành văn hóa tỉnh Sơn La đã tìm hiểu thực tế và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành khôi phục lễ Hết Chá (năm 2005). Những người cao tuổi, thầy cúng biết về nghi thức trong lễ hội được mời để tham gia hướng dẫn, tổ chức và thực hành lễ Hết Chá.
Trên mảnh đất Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu có khoảng 1.500 người. Trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ Tu, cây nêu như một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Già làng Bùi Văn Siêng ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết: “Trong nghi thức trình diễn có lễ đâm trâu hiến tế. Nhưng hiện nay đồng bào đã thay hình thức đâm trâu bằng động tác tượng trưng để phù hợp với điều kiện thực tế”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Cơ Tu Đỗ Thanh Tân cho biết: “Nhìn từ cây nêu, tín ngưỡng dân gian người Cơ Tu hiện ra như một kho tàng với nhiều điều thú vị. Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ Tu đã cùng với chính quyền nỗ lực phục dựng nghi thức trình diễn cây nêu, trong đó loại bỏ những yếu tố lạc hậu, khuyến khích việc duy trì hoạt động và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp”.
Thực tế hiện nay, việc bảo tồn nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây nêu của đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nhiều khó khăn. Qua sự vận động biến đổi của thời gian, các nghệ nhân ngày càng ít đi, một số luật tục cũng bị lược bớt.
Khắc phục những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm: “Để tránh việc bị thất truyền, Trung tâm lập đoàn công tác xuống cơ sở tìm hiểu, phục dựng, ghi hình làm tài liệu lưu trữ. Cùng với đó, các lớp bồi dưỡng ở địa phương được mở, mời nghệ nhân đến truyền dạy nhằm trao truyền các nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây nêu cho thế hệ trẻ”.
Để giữ gìn nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây nêu rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn. Trong đó, việc tổ chức ngày hội trình diễn cây nêu cũng là cách gìn giữ nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020, lễ hội trình diễn cây nêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Quyết định số 3666/QÐ-BVHTTDL về phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”. Đây là cơ hội để các dân tộc thiểu số quảng bá nét văn hóa đặc sắc gửi gắm qua nghi thức trình diễn cây nêu.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Với phương châm để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, đồng bào chính là hạt nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghi thức trình diễn cây nêu. Trong điều kiện thay đổi, có thể chuyển nghi thức trình diễn cây nêu dưới dạng tín ngưỡng thờ cúng sang sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm trao truyền và lan tỏa giá trị tốt đẹp tới đông đảo công chúng. Cùng với bảo tồn, việc khai thác giá trị văn hóa gắn với du lịch sẽ động viên đồng bào tích cực gìn giữ nét đẹp văn hóa, tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách”.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM/Báo QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin