Một lần vận chuyển lúa từ ruộng của gia đình ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) về nhà tại thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị), tôi được bác cho tháp tùng đi theo. Khi đó, bác hay cho ghe cập tại một mé vườn đâu đó trên đường đi, kêu hia (anh) tôi ở lại trông lúa, tay xách con dao nhọn, tay dẫn tôi thả bộ, mắt nhìn xung quanh để “hái quà của đất”. Bác bảo nấm mối thường mọc dưới gốc cây to như xoài, mít hay trong bụi tre, trúc, tầm vông. Khi nó mọc ra ở chỗ nào thì y như rằng năm sau nó cũng lại mọc ra ngay đúng vị trí đó. Vì vậy mà bác quen chỗ, chỉ kêu tôi để ý nhìn. Nghe lời bác, tôi hay đảo mắt qua gốc cây to hay bụi rậm um tùm, cũng đôi ba lần tôi bắt gặp những tai nấm mọc trắng dã. Cái cảm giác tự tay mình thoăn thoắt bẻ từng tai nấm như sợ bị ai đó cướp mất, sao thú vị quá chừng. Bởi vậy người ta hay nói “ham như ham nấm mối” là vậy.
Thu hoạch nấm mối. Ảnh: NGỌC NHÂN
Theo các tài liệu khoa học nông nghiệp, nấm mối có tên là Termitomyces Albuminosa, được tạo thành do nước bọt của con mối và các vi sinh vật trong đất. Nấm mối ở quê tôi phổ biến là “nấm đất” có mũ nấm màu xám nhạt của đất và thân trắng ngà, ngoài ra còn có “nấm nếp” nhưng rất hiếm (nấm toàn thân có màu trắng của nếp). Trung bình một cây nấm mối cao khoảng 3 - 5cm, chu vi mũ nấm từ 6 - 8cm, ở nấm búp là 3cm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta vẫn phát hiện những tai nấm to bất thường.
Lúc gặp gò nấm nhú mầm non tay, bác tôi cẩn thận lấy lá cây đậy kỹ lại không vội hái, bảo chờ hôm sau để nấm cao hơn rồi hái chưa muộn. Hôm đó, hai bác cháu đã làm siêng đi cả buổi, xong trở lại ghe mang theo cả nón lá đầy chiến lợi phẩm. Thế là qua ngày hôm sau, cả nhà nội tôi nấu nhiều món từ nấm rất phong phú. Nào là nấm mối xào dừa, nấm mối xào mỡ dưa leo, bánh canh, cháo nấm mối… Bánh xèo nấm mối là món ăn nhiều người mong đợi nhất. Nấm mối có thể dùng để chế biến nhiều loại thức ăn hấp, xào, kho dùng riêng hay phối hợp đều rất ngon do có hương vị đậm đà rất đặc trưng, khó có loại nấm nào sánh bằng, đặc biệt là có thể phơi khô để ăn dần hay dùng chế biến những món chay.
Trước khi chế biến, cô tôi loại bỏ những tay nấm úa màu, cạo rửa sạch đất, ngâm với nước muối mười lăm phút. Trong gian bếp nhỏ tí tách thớ củi đước bén lửa ấm áp đầy ắp tiếng cười nói của những người thân, những người phụ nữ trong gia đình bắt đầu trổ tài chế biến. Buổi trưa với nấm mối xào dừa, xào mỡ dưa leo. Nấm mối luộc chín, cho nước cốt dừa vào đảo sơ qua, nêm nếm vừa vị chan với cơm ăn ngọt nước vô cùng. Nấm cho thêm cần tây, gia vị tiêu, hành là có món xào mỡ dưa leo không cần thêm thịt mà vẫn ngon tuyệt. Gắp đũa nấm chấm nước mắm ớt, tay nấm giòn dai ăn nghe sựt... sựt, chỉ hai món đó thôi cũng đầy bữa, đủ làm nhiều người xa quê nhớ mãi…
Buổi chiều thì tới món nướng. Nấm ướp thêm muối, đường, bột ngọt. Bao ngoài lá chuối, xỏ xâu đặt trên than hồng, cho những người đàn ông trong gia đình nhậu lai rai sau cả ngày lao động. Buổi tối thì cả gia đình xì xụp ăn món bánh canh, húp món cháo nóng nghi ngút khói. Nhai tay nấm dai giòn, thơm phức trong tô cháo, bánh canh không chút tôm hay thịt nào cũng ngọt “lủng nổi”.
Ðến bây giờ, người lớn tuổi quê tôi còn hay nhắc các món ngon được chế biến từ nấm mối ấy cho con cháu mình nghe biết. Ngày nay do diện tích đất vườn thu hẹp, không còn môi trường tự nhiên cho loài mối sống kéo theo nấm mối trở thành của hiếm có giá bán rất cao. Chính vì giá trị dinh dưỡng cộng với hương vị thơm ngon ngọt đặc trưng khó quên ấy của nấm mối, thời gian qua, các nhà khoa học nông nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra quy trình nuôi trồng nấm mối (đen) nhân tạo, đã được một số tỉnh, thành áp dụng. Tại tỉnh Sóc Trăng, ở ấp Phước Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, nông dân Nguyễn Văn Mỹ được Nhà nước đầu tư hỗ trợ đã trồng thử nghiệm và thành công. Hứa hẹn trong tương lai không xa, nhiều người được thưởng thức món ăn từ nấm mối.
NGỌC NHÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin