Những hy sinh thầm lặng
Nghe có khách ghé thăm, mẹ Lê Thị Ba nhắc con gái đem bánh, nước ra bàn. Tranh thủ mọi người ngồi nghỉ mệt, mẹ ngồi xuống võng, ăn miếng trầu vừa bỏ dở. Tuy đã bước sang tuổi 94, nhưng người nào quen biết, mẹ vẫn nhớ rõ và mẹ không quên những năm tháng chiến tranh ác liệt, vùng đất Mỹ Tú vẫn còn in dấu chân những người anh hùng ra đi vì độc lập, tự do.
Khi tôi hỏi thăm mẹ, chị Nguyễn Thị Hồng (con gái út của mẹ Ba) cho biết: “Mình hỏi lớn tiếng mẹ mới nghe được. Hồi trước, mẹ bị địch bắt, đánh đập dã man, di chứng là tai mẹ không nghe rõ được”. Gia đình mẹ có truyền thống cách mạng. Nhà mẹ là nơi nuôi giấu cán bộ, mẹ còn tham gia đào hầm bí mật để các anh có nơi trú ẩn. Với tính gan dạ, mẹ thường được phân việc đưa thư, thuốc men, tiếp tế lương thực cho bộ đội. “Hồi đó, đưa thư mẹ ngụy trang cho thư vô ống trúc, rồi cầm đi lùa trâu, chúng không phát hiện ra. Đưa đồ ăn, thuốc men, mẹ lựa đêm tối, đường khó mà đi. Nhớ có lần đem thuốc cho mấy anh, mẹ bị địch bắt, đánh đập dã man. Chúng thấy cái gì cầm nặng tay là bổ xuống người, lên đầu mẹ. Giờ mẹ bị lảng tai cũng do bị trận đòn khi đó”, mẹ Ba kể lại.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ba, ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) rất vui khi có khách đến nhà thăm. Ảnh: NGỌC HẢI
Tiếp lời, chị Út Hồng cho biết, mẹ có 7 người con, 4 người con trai và 3 người con gái. Anh Hai, chị Ba, anh Tư, anh Năm, anh Sáu đều đi bộ đội hết. Mấy anh với chị Ba trốn đi, không cho mẹ hay, sợ mẹ lo. Hôm mẹ gặp mấy anh, chị, biết con mình tiếp bước cha, mẹ quay sang lau nước mắt, dặn các anh, chị: “Cái gì cái không được đầu hàng địch, noi theo gương cha. Ráng giữ gìn sức khỏe về với mẹ”. Vậy mà anh Hai và chị Ba lại đi mãi không về. Anh Năm trở về với thương tật trên người.
Khi kể về chồng (ông Nguyễn Văn Văn), mẹ Ba còn nhớ rõ, ông hy sinh khi chị út Hồng mới 6 tháng tuổi. Ôm con thơ vào lòng mẹ dặn lòng ráng sống lo cho các con. Mẹ Ba bồi hồi: “Mẹ làm nhiều công việc để nuôi các con. Lúc đó cực lắm con ơi, làm không ngơi tay. Mà vừa làm nuôi con, vừa trốn địch truy bắt. Chạy ngược chạy xuôi, ai thuê gì mẹ làm nấy. Anh em trong xóm có người bảo, ở xóm này không ai cực bằng mẹ”. Xưa cũng có người mai mối cho mẹ bước thêm bước nữa, nhưng mẹ không chịu. Rồi các anh chị trưởng thành, thấy quê hương bị quân địch đàn áp, đánh, giết người dã man, mười mấy tuổi, các anh, chị tiếp bước cha tham gia cách mạng.
Nhắc đến các con, giọng mẹ run run xúc động. Anh Hai hy sinh khi mới 19 tuổi, chị Ba cũng ra đi ở tuổi đôi mươi. Mẹ không quên được chỉ trong 1 ngày mà mẹ hay tin anh Hai và cậu út hy sinh. Mẹ chết lặng không nói lời nào. “Ông bà ngoại mất, cậu út sống với mẹ. Nên hay tin hai người thân ra đi cùng lúc, mẹ buồn lắm, rồi mẹ ăn trầu cho đỡ buồn. Cho tới giờ mẹ vẫn giữ thói quen đó”, chị Út Hồng cho biết.
Giờ mẹ sống chung với chị Út Hồng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Tú nhận phụng dưỡng mẹ, thường xuyên đến thăm hỏi, chúc sức khỏe mẹ. Thấy ai đến nhà chơi, mẹ vui lắm. Rồi mẹ kể chuyện ngày xưa thời đánh Mỹ cứu nước. Mẹ cũng dạy, khuyên con cháu noi theo gương người đi trước, bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước phát triển.
“Nén thương đau” thành “nhựa sống”
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lích có chồng và con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm nay, tuy đã bước sang tuổi 88, nhưng mẹ còn minh mẫn. Nhớ về thời mưa bơm, bảo đạn, mẹ kể: “Chồng hy sinh khi mẹ mới 20 tuổi. Con trai lớn mới 2 tuổi, đứa nhỏ còn chưa dứt sữa. Ngày ông mất mẹ không hay tin. Ngày xưa, mỗi lần về thăm, ông cứ dặn dò mẹ mãi: “Em ráng hy sinh cho anh tham gia chiến đấu, nuôi dạy con”. Rồi mẹ phải bồng bế hai đứa con rời quê lên Thành phố Hồ Chí Minh sống. Khi ấy, ông là cán bộ huyện, nên chúng lùng sục để bắt vợ con. 1 tháng sau khi ông mất, có người dưới quê báo tin, mẹ ôm hai đứa con về quê ở với mẹ ruột. Buồn pha lẫn căm thù, mẹ gửi hai đứa con cho bà ngoại trông, rồi theo đoàn cầm cờ, băng rôn đấu tranh trực diện, biểu tình hô hào các khẩu hiệu chống địch”.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lích, ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) kể chuyện về những năm tháng gian khổ mà hào hùng. Ảnh: NGỌC HẢI
Có lần đang đi biểu tình, giặc càn quét, bắn chết vài người. Ai còn sống, chúng gom một chỗ đánh đập dã man. Đánh xong, chúng lấy lưỡi lê nhắm thẳng vào lực lượng tham gia biểu tình mà lụi. Rất may mẹ né kịp, nhưng bị ngã, té vào cái cây đâm vào lưng. Khi nói về chuyện này, mẹ vén vạt áo sau lưng cho chúng tôi xem vết sẹo to. Rồi mẹ tiếp lời: “Chúng có đánh thế nào mẹ cũng không sợ. Mẹ không biết sợ cái gì, kể cả cái chết”.
Tiếp nối sự kiên cường, dũng cảm của cha và mẹ, anh Hai 14 tuổi đã xin mẹ đi bộ đội, một hai năm sau, anh Ba cũng lên đường. Mẹ nén lòng căn dặn các anh, đi theo mấy anh, mấy chú để ý học hỏi. Mẹ vẫn chờ các anh về báo tin vui. Thấm thoắt 3 năm trôi qua, anh Hai giờ đã cao lớn hơn, trưởng thành hơn. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, mẹ nhận được thư báo tử của anh Hai. Trong căn nhà nhỏ, mẹ âm thầm chịu đựng đau thương, mất mát. Hơn 50 năm, mỗi lần nhắc đến chồng, con, ánh mắt mẹ buồn rười rượi, nỗi đau không bao giờ nguôi. Mẹ cũng tiếc là không lưu giữ được kỷ vật nào của chồng, con trai vì thời giặc giã, không có nơi ở cố định nên mẹ không lưu giữ được hình ảnh hay đồ vật nào.
Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến thăm và được nghe các mẹ kể chuyện, trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng sáng lên “ngọn lửa” nhiệt huyết với cách mạng. Sự hy sinh của các mẹ nhắc nhở thế hệ hôm nay phải phát huy, trân trọng và tự hào.
NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin