Tiềm năng phát triển võ cổ truyền tại Sóc Trăng

05:41, 14/07/2024

STO - Võ thuật cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người Việt Nam mà còn khơi dậy lòng tự hào truyền thống thượng võ của dân tộc, tính nhân văn của con người. Hiện nay, tiềm năng môn võ cổ truyền ở Sóc Trăng đã duy trì và phát triển, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện.

Giải vô địch trẻ võ cổ truyền quốc gia lần thứ 25 năm 2024, do tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức, với sự góp mặt gần 1.000 võ sĩ, huấn luyện viên đến từ 40 đơn vị tỉnh, thành phố, ngành trên toàn quốc. Các võ sĩ tranh tài 45 bộ huy chương ở nội dung quyền và 43 bộ huy chương đối với nội dung đối kháng. Đây là một sân chơi bổ ích, lành mạnh, nhằm tạo điều kiện cho các võ sĩ tài năng có dịp cọ xát, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị tỉnh, thành phố, ngành có phong trào võ cổ truyền phát triển mạnh.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng trao cờ lưu niệm cho các đoàn vận động viên tham gia Giải vô địch trẻ võ cổ truyền quốc gia năm 2024 tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Là một trong những võ sĩ trẻ của đơn vị chủ nhà Sóc Trăng tham gia giải, em Đặng Hữu Tài chia sẻ: “Em rất vui khi được thầy tuyển chọn tham gia tranh tài ở đấu trường toàn quốc. Đây là năm thứ 2 và cũng là năm cuối ở độ tuổi trẻ của em. Nhờ tham gia giải đấu mà em học hỏi được nhiều điều hay từ các đơn vị bạn. Em mong muốn có thêm nhiều "sân chơi" như vậy để các võ sĩ trẻ tỉnh nhà có dịp giao lưu và thi đấu với nhau”.

Trong những năm qua, huyện Thạnh Trị được xem là địa phương có phong trào tập luyện võ cổ truyền phát triển rộng khắp. Nhiều câu lạc bộ võ cổ truyền ở các xã, thị trấn trong huyện lần lượt được thành lập và duy trì hoạt động tập luyện, mỗi năm thu hút hơn 200 võ sinh tham gia. Chính vì vậy, đến với sân chơi lần này, Thạnh Trị có 14 võ sĩ trẻ đại diện cho chủ nhà Sóc Trăng tham gia tranh tài ở nội dung quyền và đối kháng.

Võ sư Võ Văn Tiển cho biết: “Trong quá trình huấn luyện tại các câu lạc võ cổ truyền trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy em nào có tố chất, năng khiếu tốt, chọn ra và thành lập đội tuyển để biểu diễn chào mừng các ngày lễ, Tết; đại diện huyện và tỉnh tham gia các giải đấu từ tỉnh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc”.

Sân chơi hấp dẫn của các võ sĩ trẻ. Ảnh: THẠCH PÍCH

Với sự quyết tâm tập luyện và thi đấu của các võ sinh, tại Giải võ cổ truyền Đại hội thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX - Hậu Giang 2023, được tổ chức tại tỉnh An Giang, đoàn vận động viên Sóc Trăng đã giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 8 huy chương đồng. Còn tại Giải vô địch trẻ và thiếu niên võ cổ truyền toàn quốc năm 2023, tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi, đoàn vận động viên tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp thành tích 2 huy chương đồng do công của võ sĩ Trương Mỹ Hoa (nội dung đối kháng hạng cân 37kg nữ) và võ sĩ Danh Quách Duy (nội dung đối kháng hạng cân 42kg nam). Riêng giải đấu năm 2024, các võ sĩ Sóc Trăng đã đóng góp được thành tích 2 huy chương đồng do công của võ sĩ trẻ Đặng Hữu Tấn (nội dung bài quyền roi Thái Sơn) và Lê Gia Hân nội dung đối kháng (hạng cân -40kg nữ) nhóm tuổi 12 - 13. Điều đó cho thấy, “lò võ” do Võ sư Võ Văn Tiển huấn luyện đã đóng góp những thành tích đáng kể cho phong trào thể thao quần chúng tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Võ cổ truyền Sóc Trăng có tiềm lực về con người nhưng để thúc đẩy bộ môn vươn tầm lại là điều mà mọi người trăn trở. Thông thường mỗi năm, võ cổ truyền chỉ tổ chức 1 giải đấu cấp tỉnh, hoặc tham gia đồng diễn tại các dịp lễ hội của dân tộc. Nếu tham dự giải cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay giải quốc gia chủ yếu tuyển chọn các võ sĩ từ câu lạc bộ võ phong trào.

Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Giải là cơ hội, điều kiện để các vận động viên thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, nhằm tuyên truyền, lan tỏa truyền thống võ thuật của dân tộc nói chung, bộ môn Việt võ đạo - võ cổ truyền nói riêng, thúc đẩy phong trào luyện tập môn võ cổ truyền trong nhân dân, nhất là lực lượng thanh - thiếu nhi với tinh thần “khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”".

Tại giải đấu này, Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên tổ chức thi quyền riêng, nội dung thi đối kháng riêng. Mục đích nhằm nâng cao trình độ của các vận động viên thi quyền. Bởi quyền thuật chính là gốc của môn võ thuật cổ truyền cần phải phát huy từ giải học sinh, giải trẻ đến giải vô địch quốc gia và giải chuyên nghiệp để trình tự tổ chức giải lần này, cũng như các lần tiếp theo. Nội dung đối kháng cũng nâng cao được trình độ của các đội chưa mạnh, là dịp để họ vươn lên. Đây là mục tiêu của Liên đoàn Võ thuật Võ cổ truyền Việt Nam, mong muốn sự đổi mới và tiến bộ hơn”.

THẠCH PÍCH