Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng: “Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của đồng bằng sông Cửu Long và trên sông Maspero của tỉnh Sóc Trăng”
Để tổ chức sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero có thể thành hiện thực, thành phố Sóc Trăng cần tạo cảnh quan mới lạ, gần gũi hai bên bờ sông. Lợi thế của thành phố là ở gần ngã tư cột Lồng Đèn có ngôi chùa Peam Buôl Thmây, được du khách khen ngợi đẹp như cung điện. Tôi cũng đề xuất cần đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Nếu tổ chức tốt, cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero sẽ là bước tiến mới của du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện các tỉnh cũng đang tìm lối ra cho ngành du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố Sóc Trăng cũng có thể kết hợp tour du lịch đường sông với tổ chức chợ đêm dọc bên bờ sông, kết hợp giới thiệu ẩm thực, bán các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm... Ngoài ra, còn có thể tổ chức khu vực trải nghiệm sông nước như tập bơi xuồng, chèo xuồng. Nếu đoàn đông có thể hướng dẫn du khách tập bơi trên một chiếc ghe ngo thu nhỏ sẽ hết sức thú vị; tạo điều kiện cho du khách thưởng thức đèn nước ban đêm. Về lâu dài, cần nghiên cứu thí điểm các trò chơi sông nước hấp dẫn như lướt ván, đua ghe ngo thu nhỏ, môtô nước, đua thuyền composite... Ban đêm cần có các hoạt động dịch vụ ẩm thực, ca nhạc, các trò chơi sông nước ban đêm theo định kỳ.
Thạc sĩ Lê Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng: “Phát huy sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước”
Sóc Trăng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của 3 dân tộc, có điều kiện tự nhiên với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có tiềm năng lớn để phát triển các lễ hội sông nước đặc sắc. Trong đó, chợ nổi Ngã Năm còn giữ lại được nhiều nét văn hóa giao thương sông nước mang truyền thống xưa của người Tây Nam Bộ, với nông sản đặc trưng địa phương.
Chợ nổi mang lại sự cảm nhận về đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn và các món ẩm thực đặc sản địa phương, văn hóa sông nước miệt vườn và thiên nhiên hoang dã, có cơ hội mua sắm đặc sản địa phương (trà mãng cầu, mắm cá lóc…). Nhiều du khách đến để cảm nhận sâu sắc về những con người hiền hậu, chân tình, mộc mạc trong từng lời nói, cử chỉ, trang phục. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 4 sản phẩm du lịch (và điểm đến) được biết đến nhiều, gồm: Tân Huê Viên; du lịch văn hóa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo; du lịch tâm linh tại thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa chợ nổi Ngã Năm. Do vậy, ngành chức năng tỉnh đang phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của địa phương, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ khách du lịch và công chúng, góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch của tỉnh.
Tiến sĩ Hà Kiên Tân: “Đêm di sản văn hóa trên dòng sông Maspero”
Việc đề xuất ý tưởng sản phẩm “đêm di sản văn hóa trên dòng sông Maspero” nhưng được cấu trúc lại theo mô hình kinh tế trải nghiệm, cụ thể là mô hình du lịch đêm, bao gồm 7 nhóm sản phẩm: cảnh đêm, con đường đêm, lịch sử ban đêm, sách đêm, trò chuyện đêm, ẩm thực - chợ đêm và nghỉ qua đêm.
Có thể xem là cách tiếp cận mới theo hướng phát triển du lịch bền vững tập trung vào các di sản văn hóa. Đây còn là nơi tập trung các lễ hội của 3 cộng đồng dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa). Đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2021 và đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là môn thể thao có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay. Nơi đây không chỉ là trung tâm của các hoạt động nghệ thuật ca, múa nhạc truyền thống của 3 dân tộc, mà còn là một trung tâm văn hóa ẩm thực của tỉnh, có mật độ nhà hàng, quán xá đông đúc, hội tụ hầu hết các đặc sản của tỉnh như: bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, mè láo, các loại bánh dân gian truyền thống, các loại khô cá, các món đặc sản như bún nước lèo…
Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh: “Xây dựng sản phẩm lễ hội văn hóa sông nước là một hướng đi khai thác tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng”
Để khai thác tiềm năng đặc sắc về du lịch văn hóa trên địa bàn Sóc Trăng những năm tới có thể tổ chức 2 sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước tại sông Maspero và chợ nổi Ngã Năm, với định kỳ mỗi năm một lần. Trên sông Maspero có thể xây dựng sản phẩm Lễ hội Sông Trăng hằng năm. Mỗi năm có một chủ đề riêng để giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm du lịch và các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của 3 dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa). Mỗi lễ hội sẽ có nhiều tiểu đề và mỗi tiểu đề có nhiều tiết mục, gắn bó logic. Mỗi lễ hội là sự tích hợp các tiềm năng, sản phẩm và dịch vụ du lịch nhất định, vừa có tính truyền thông hình ảnh Sóc Trăng, vừa kích cầu du lịch.
Còn trên chợ nổi Ngã Năm, chúng ta có thể phát triển sản phẩm lễ hội văn hóa sông nước với chủ đề Lễ hội văn hóa ngũ long giao duyên. Lễ hội sẽ tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống của chợ nổi Ngã Năm và các hoạt động chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), kết hợp tổ chức các hoạt động song hành, nhằm quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch, tăng doanh thu du lịch. Điều quan trọng, lễ hội sẽ góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống và khác biệt của chợ nổi Ngã Năm so với những chợ nổi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các sản phẩm gồm nội dung chính là lễ hội, nhưng được bổ sung bằng những sản phẩm phụ như ngày hội ẩm thực, tổ chức tour du lịch, tổ chức các đoàn famtrip… Lễ hội cần được tổ chức bài bản với chủ đề và nội dung khác nhau để đảm bảo không bị nhàm chán. Sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước sẽ góp phần thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh của tỉnh, thu hút đầu tư du lịch, kích cầu và tăng doanh thu du lịch. Mục đích là nhằm truyền thông, quảng bá hình ảnh con người và tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh...
THẠCH PÍCH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin