Đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện

07:37, 05/08/2024

STO - Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã thực hiện tốt vai trò trung tâm đoàn kết; là cầu nối giữa sư sãi và đồng bào phật tử Khmer với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp; tích cực vận động người dân lao động sản xuất, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa

Trong 5 năm qua, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của chi hội. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc giáo dục, giữ gìn, bảo tồn phong tục tập quán, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện.

Đại đức Kim Sang - Trụ trì chùa Ta Kúch Chắs (Trà Quýt cũ), xã Thuận Hòa cho biết: “Thời gian qua, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer luôn được duy trì theo phong tục, tập quán, như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Kiết giới (sây ma), Sene Đôn Ta, dâng y Kathina, lễ cưới, lễ cầu an trong bổn chùa được duy trì và thực hiện đúng pháp luật. Bên cạnh đó, nhằm góp phần nâng cao, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện cũng mở lớp dạy chữ Khmer cho con em phật tử vào dịp hè từ lớp 1 - 5, thu hút đông đảo các em tham gia; tuyên truyền, vận động con em phật tử trong và ngoài bổn chùa chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương với phương châm “Tốt đời đẹp đạo”.

Niềm vui của đội ghe ngo nam chùa Bôtum Reang Sey Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) giành ngôi vô địch tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023. Ảnh: PON LƯ

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào phật tử đóng được 11 ghe ngo nam và nữ. Hằng năm, các đội ghe ngo trong huyện đều xây dựng kế hoạch tham gia lễ hội và vận động kinh phí xã hội hóa hỗ trợ kịp thời cho các đội ghe tham gia thi đấu từ giải đua cấp tỉnh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả, trong những năm gần đây các đội ghe của huyện tham gia tranh tài đạt được nhiều thành tích cao, như: giành ngôi vô địch giải đua ghe ngo nữ năm 2019, ngôi quán quân giải đua ghe ngo nam năm 2020, á quân giải đua ghe ngo nữ năm 2022 và giành 2 ngôi vô địch giải đua ghe ngo nam và nữ năm 2023.

Thực hiện tốt công tác phật sự, từ thiện xã hội

Thông qua công tác tuyên truyền, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện thường xuyên hướng dẫn, vận động sư sãi và đồng bào phật tử Khmer tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất; các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tham gia “Ngày vì người nghèo” thực hiện từ thiện xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, vận động phật tử chấp hành pháp luật, áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, có ý chí vươn lên thoát nghèo, trau dồi học tập nâng cao dân trí, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, đông đảo người dân, phật tử đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để xây cầu nông thôn, mở lộ đal... góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng quê, con em được đi học và người dân địa phương đi lại dễ dàng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thượng tọa Thạch Thươl - Trụ trì chùa Kompongtrop, Phó Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành cho biết: “Trong những năm qua, việc tổ chức các lễ hội đảm bảo tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tinh thần của giới sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong bổn đạo; thường xuyên được bảo tồn, tôn tạo, khai thác tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng cho khách tham quan nghiên cứu, học tập, du lịch... Chi hội cũng đã vận động các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện (9 chùa) tổ chức hơn 130 đợt phát gạo, nhu yếu phẩm, với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng; vận động nhu yếu phẩm giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ ma chay, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ gia đình phật tử trong lúc khó khăn, trị giá gần 500 triệu đồng. Đây là việc làm thiết thực có ý nghĩa, với tinh thần “tương thân tương ái”, “chia sẻ yêu thương” nhằm giúp họ có cuộc sống ổn định”.

Thời gian tới, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành tiếp tục làm trung tâm tập hợp đoàn kết giữa sư sãi và đồng bào phật tử Khmer, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và hành động, đưa mọi hoạt động của chi hội đi vào nền nếp ổn định và phát triển theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

PON LƯ