Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng cứ đến cận Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, nghệ nhân Thạch Thônh lại tất bật với việc “làm đẹp” cho những chiếc ghe ngo ở các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh chuẩn bị tham gia lễ hội.
Nghệ nhân Thạch Thônh vẽ hoa văn trên chiếc ghe ngo tại chùa Phnor Kanh Chơ Thmây, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH |
Ngồi dưới mái che dành cho chiếc ghe ngo của chùa Phnor Kanh Chơ Thmây, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, nghệ nhân Thạch Thônh chăm chú vẽ họa tiết hoa văn, những đường nét tinh tế, màu sắc nổi bật khiến chiếc ghe ngo càng thêm rực rỡ. Nghệ nhân Thạch Thônh tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa hội đua ghe ngo, tôi được thợ đóng ghe ngo, cũng như ban quản trị ở một số chùa mời đi sơn, vẽ hoa văn lại cho những chiếc ghe ngo để chuẩn bị tham gia lễ hội. Những hoa văn trên thân ghe thường tôi vẽ theo yêu cầu của nhà chùa. Ngoài vẽ hoa văn, còn vẽ những linh vật như: rồng, hổ, nàng tiên cá… trên mũi ghe, nhà chùa muốn thể hiện sức mạnh cho đội ghe ngo của mình. Bởi họ cho rằng, một linh vật khó có thể tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng lại xuất hiện khá phong phú trong các câu chuyện thần thoại, trong những công trình kiến trúc tôn giáo”.
Ông Thạch Thônh xuất thân trong một gia đình nông dân Khmer ở xóm Bak Ta Ky (thành phố Sóc Trăng). Thuở nhỏ, ông rất thích và đam mê môn hội họa vẽ về cảnh thiên nhiên, con vật... Lớn lên, ông đi theo học vẽ, điêu khắc phù điêu từ các bậc nghệ nhân, họa sĩ trong chùa. Sau những năm tháng vừa học hành, vừa miệt mài với nghề, đến 19 tuổi, ông bắt đầu “trổ tài” với những tác phẩm xoay quanh về tiểu sử Đức Phật và chế tác các bức phù điêu tại các chùa Nam tông Khmer trong tỉnh.
Ông Thạch Thônh cho biết: “Tính đến nay, tôi đã gắn bó với nghề vẽ, khắc các pho tượng đã gần 50 năm rồi. Lúc mới khởi nghiệp, tôi được các vị sư ở một số chùa trong tỉnh mời vẽ trên các công trình như ngôi chánh điện, ngôi sala, am… Khi về nhà, tôi còn tranh thủ vẽ chân dung cho khách nữa. Thời đó, thợ vẽ hình hiếm lắm, chứ không giống như bây giờ, có máy ảnh, điện thoại thông minh, chụp hình lấy liền đâu. Không chỉ trong tỉnh mà một số chùa ngoài tỉnh như: Kiên Giang, Trà Vinh, Bình Phước, An Giang, Đồng Nai, thành phố Cần Thơ… cũng mời tôi đi vẽ và khắc pho tượng, hoa văn trang trí cho các công trình kiến trúc của chùa”.
Khi hỏi về cách tạo hoa văn “làm đẹp” cho những chiếc ghe ngo ở các chùa, ông Thạch Thônh chia sẻ: “Tất cả ghe ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng, nhưng quan trọng là làm sao để khi hạ thủy, tham gia bơi đua, những hoa văn đó vẫn làm nổi bật cho chiếc ghe, thu hút người xem. Vẽ hoa văn trên chiếc ghe ngo thường bắt đầu từ mũi về đuôi ghe ngo và tránh vẽ hoa văn lửa trên thân ghe. Mỗi chiếc ghe ngo, nếu nhà chùa sơn lót trước, một mình vẽ hoa văn, biểu tượng mất thời gian khoảng 10 ngày, còn có con cháu tiếp vẽ mất khoảng 1 tuần hoàn thiện. Năm nay, ngoài vẽ ghe ngo cho chùa Phnor Kanh Chơ Thmây, tôi còn vẽ 2 ghe ngo ở tỉnh Kiên Giang, 1 chiếc tại chùa Pong Tứk Chắs (huyện Thạnh Trị)… Nếu tính từ trước đến nay, tôi đã vẽ được gần 200 chiếc ghe ngo cho các chùa Nam tông Khmer trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Qua các tác phẩm của ông Thạch Thônh, người xem hiểu được thêm về văn hóa Khmer Nam Bộ đa dạng, phong phú và luôn gắn liền với Phật giáo Nam tông. Đứng xem ông Thạch Thônh vẽ, anh Thạch Vui - vận động viên đội đua ghe chùa Phnor Kanh Chơ Thmây chia sẻ: “Tôi đã thấy nhiều chiếc ghe ngo, mẫu đa dạng, nhiều hoa văn, nhưng phải công nhận rằng, ông Thạch Thônh là một trong những nghệ nhân, họa sĩ tài nghệ cao. Các họa tiết, hoa văn được sắp xếp hài hòa, tỉ mỉ, màu sắc nổi bật. Đến hội đua năm nay, chiếc ghe ngo của chùa được lên tivi sẽ nhìn thấy bắt mắt liền”.
THẠCH PÍCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin