Đội ghe ngo chùa Pôthi Satharam tích cực tập luyện chuẩn bị cho hội đua

THẠCH PÍCH 06:06, 12/10/2024

STO - Để có sự dẻo dai, sức bền, đội ghe ngo nam chùa Pôthi Satharam, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã và đang huy động lực lượng vận động viên tham gia tập luyện chuẩn bị cho Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI (gọi tắt là Lễ hội) và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sắp tới.

Gần 1 tháng nay, tầm 17 giờ 30 phút, tại khuôn viên chùa Pôthi Satharam có hàng chục vận động viên chăm chỉ thực hiện các động tác khởi động trên bờ và tập luyện trên giàn. Tiếng còi của huấn luyện viên đã vang lên, tạo khí thế thật sôi động hướng tới mùa Lễ hội sắp tới. Anh Trần Son, vận động viên đội ghe ngo nam chùa Pôthi Satharam phấn khởi: “Tôi rất thích môn thể thao đua ghe ngo. Từ năm 2018 đến nay, tới mùa là tôi đến đây tập luyện và thi đấu cho đội ghe ngo của chùa. Hằng ngày, dù bận rộn lao động mưu sinh, nhưng tôi vẫn luôn tranh thủ, sắp xếp thời gian hợp lý để có thể đến chùa tham gia tập luyện cùng các anh em khác trong đội. Tập luyện môn thể thao đua ghe ngo không chỉ là đam mê mà còn vừa nâng cao sức khỏe, vừa góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer”.

Sau khởi động những động tác cơ bản trên cạn, các vận động viên dần bước vào vị trí trên giàn tập và bắt đầu cho cữ dợt đầu tiên. Những cánh tay vung lên đều đặn theo đúng nhịp của người thổi còi làm trắng xóa mặt nước kênh. Anh Ca Ron Trí, ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên bộc bạch: “Tôi đã gia nhập vào đội ghe ngo của chùa Pôthi Satharam được 3 năm nay. Hằng ngày, tôi đi làm ở huyện Trần Đề, đến khi tan sở, tranh thủ ăn uống xong, tôi chạy về chùa cùng với anh em trong đội tập luyện vui lắm”.

Lực lượng vận động viên đội ghe ngo chùa Pôthi Satharam, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) hăng say tập luyện trên giàn. Ảnh: Ảnh: THẠCH PÍCH
Lực lượng vận động viên đội ghe ngo chùa Pôthi Satharam, Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) hăng say tập luyện trên giàn. Ảnh: THẠCH PÍCH

Khi các vận động viên ráo riết tập luyện trên giàn, huấn luyện viên vừa thổi, vừa quan sát chỉnh sửa tư thế ngồi, hướng dẫn kỹ thuật cầm dầm và động tác múc dầm sao cho đồng đều, đúng nhịp theo tiếng còi. Anh Điền Lên - Huấn luyện viên đội ghe ngo nam chùa Pôthi Satharam cho biết: “Năm nay, lực lượng vận động viên tham gia tập luyện rất hăng hái và nhiệt tình, với tinh thần quyết tâm cao. Dù hiện nay, nhiều anh em trong đội còn bận bịu với việc đồng áng, đi làm ăn nhưng vì đam mê môn đua ghe ngo cũng tranh thủ thời gian tập luyện đông đủ. Hiện nay gần 80 vận động viên tham gia tập luyện mỗi buổi chiều, bắt đầu từ hơn 17 giờ đến khoảng 19 giờ, với 5 hiệp bơi. Qua lễ Sene Đôn Ta, nhà chùa sẽ hạ thủy chiếc ghe cũ để tập luyện trên sông. Hy vọng, tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI này, đội ghe ngo của chùa sẽ thi đấu đạt kết quả cao”.

Để cải thiện thứ hạng, đạt thành tích tốt hơn ở mùa giải năm nay, nhà chùa đã thuê thợ sửa chữa, sơn phết và vẽ lại toàn bộ hoa văn trên thân ghe. Ông Sơn Chương, thành viên tổ hậu cần đội ghe ngo chùa Pôthi Satharam chia sẻ: “Năm nay, khi biết thông tin tỉnh sẽ đăng cai tổ chức Lễ hội và và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, nhà chùa xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho đội ghe ngo tham gia tập luyện sớm hơn mọi năm. Việc huy động lực lượng vận động viên tham gia tập ngày càng đông, hầu hết là những tay bơi trẻ, khỏe và nhiệt huyết. Hiện nay, sư sãi cũng như người dân trong bổn chùa ai cũng cảm thấy vui và phấn khởi, nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nâng tầm, duy trì tổ chức Lễ hội rất hào hứng và náo nhiệt, đáp ứng sự mong đợi của đồng bào Khmer tỉnh nhà”.

Giải đua ghe ngo là một trong những hoạt động trọng tâm của Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

THẠCH PÍCH