Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định mua hiện vật Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HỒNG TƠ |
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nghe đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh báo cáo kết quả sưu tầm hiện vật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024 và tóm tắt nội dung hồ sơ sưu tầm hiện vật đối với hai nội dung là sưu tầm theo Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và sưu tầm theo Quyết định số 2276/QĐ-UBND, ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo báo cáo kết quả sưu tầm hiện vật, Sóc Trăng đã sưu tầm được tổng cộng 120 hiện vật. Trong đó, nhóm hiện vật sưu tầm theo Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” có 51 hiện vật gồm: hiện vật nhạc cụ dân tộc Khmer là 5 hiện vật; hiện vật nhạc cụ dân tộc Hoa là 4 hiện vật; hiện vật liên quan đến nghề truyền thống và các hiện vật có liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Khmer là 23 hiện vật; hiện vật liên quan đến nghề truyền thống và các hiện vật có liên quan đến sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Hoa là 19 hiện vật. Nhóm hiện vật sưu tầm theo Quyết định số 2276/QĐ-UBND, ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” có 69 hiện vật gồm: hiện vật công cụ sản xuất bánh pía là 63 hiện vật; hiện vật là trang phục lao động sản xuất trong nghề làm bánh của người Hoa là 6 hiện vật.
Sau quá trình xem xét, đánh giá, trao đổi, thảo luận về hồ sơ hiện vật, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và giá mua các hiện vật có trong danh mục dự kiến sưu tầm, Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thẩm định và thống nhất mua 120/120 hiện vật trên, nhằm phục vụ công tác trưng bày, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
HỒNG TƠ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin