Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi có dịp về thăm ngôi đình Phụng Tường khá nổi tiếng nằm cạnh sông Hậu hiền hòa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nơi đây là căn cứ hoạt động bí mật của cách mạng.
Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành Hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, tiền hiền, hậu hiền (những người có công thành lập và xây dựng làng xã). Đây cũng là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi... Trong một giai đoạn ngắn của lịch sử, ngôi đình còn là trụ sở hành chính của làng xã.
Chánh điện đình Phụng Tường, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: KIM NGỌC |
Đình thần Phụng Tường cũng giống như các ngôi đình khác ở miền Tây Nam Bộ, thờ thần Thành Hoàng, các danh nhân lịch sử, những người có công thành lập và xây dựng làng xã, các anh hùng liệt sĩ xã Song Phụng qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là chỗ dựa tâm linh của các bậc tiền nhân trong buổi đầu đi khai làng, lập xóm, tạo nên không gian văn hóa truyền thống là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, nơi quy tụ gắn kết mọi thành phần xã hội. Nơi đây cũng là căn cứ hoạt động bí mật, nơi tập trung lực lượng du kích làm cách mạng, điểm hẹn giao liên của những chiến sĩ cách mạng thời chiến tranh.
Ông Trần Văn Nghĩa, một người dân cao tuổi ngụ ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, chia sẻ: “Đình này đã có lâu năm rồi. Nghe ông bà kể lại đình xây dựng cách đây mấy trăm năm. Hiện nay, ngôi đình khang trang, sạch đẹp, người trong xã thường lui tới sinh hoạt, thắp nhang cho những bậc tiền nhân có công lập đình. Những đêm trăng sáng, khi công việc đồng áng xong, người già, trẻ nhỏ quanh đình lại kéo nhau ra phía trước sân đình vui chơi và chuyện trò rôm rả”.
Cây bàng trước đình Phụng Tường có trên 200 năm tuổi. Ảnh: KIM NGỌC |
Theo bài vị thờ tại đình, đình thần Phụng Tường được hình thành do 5 người sáng lập gồm: Hồ Sử Châu, Hồ Anh Quân, Hồ Văn Vũ, Hồ Anh Chiếu và 1 người không biết rõ tên do thông tin trên bài vị bị mờ. Đình được thành lập cách đây khoảng hơn 220 năm tại vàm Song Phụng thuộc ấp Phụng Tường 1 ngày nay.
Ông Bùi Văn Thanh - Trưởng Ban Hội đình Phụng Tường cho biết:
Ngôi đình lúc mới xây khá đơn sơ, nhưng vẫn mang nét trang nghiêm, cổ kính, cột làm bằng gỗ, lợp mái ngói, tất cả đều do nhân dân địa phương đóng góp. Đến năm 1890, ngôi đình bị hư hỏng, cột, kèo mục hoàn toàn. Sau đó, nhân dân địa phương, đứng đầu là 3 ông Thanh Long, Hòa Bình và Võ Văn Giang đề xướng nhân dân đóng góp và xây dựng ngôi đình bằng cột bê tông, vách tường gạch, mái ngói tại địa điểm đình thần Phụng Tường hiện nay (thuộc ấp Phụng Tường 1 - nơi tiếp giáp với ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng). Năm 1986, ngôi đình lại xuống cấp, hư hỏng nặng, nhân dân đóng góp tu sửa một lần nữa bằng xi măng cốt thép và mái tol. Ngôi đình hiện tại được trùng tu, xây dựng vào năm 2012, cơ sở vật chất khá tốt và có thành lập ban hội đình, được nhân dân và chính quyền địa phương tín nhiệm.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp có các đồng chí Nguyễn Văn Kỳ (Hai Kỳ), Trần Văn Hai (Kiểm Hai, Trung đội trưởng dân quân) và Tào Hóa (không rõ tên thật) là những người đầu tiên hướng dẫn cho thanh niên trong xã tập võ, múa roi, đi quyền, phóng phi tiêu tại đình thần Phụng Tường để tham gia các đội tuần tra bảo vệ địa bàn. Để đảm bảo cộng sản hoạt động bí mật, tổ chức cách mạng chọn đình thần Phụng Tường làm cứ điểm của cách mạng để hội họp du kích, tuyên truyền kế hoạch tổ chức đánh địch. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và quân dân xã Song Phụng củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng để kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong khoảng thời gian từ năm 1945 - 1950, tại đình thần Phụng Tường đã thành lập 1 Tiểu đội Cộng hòa vệ binh được phân công đóng chốt tại đây. Các chiến sĩ đào hầm, làm tổ châu mai từ rễ của 2 cây bàng để sẵn sàng bắn tàu địch.
Ngày 23/12/1945, Ủy ban Kháng chiến và Mặt trận Việt Minh xã Song Phụng huy động tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một ngày hội lớn biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của quân và dân Song Phụng. Đây cũng là giai đoạn quân và dân tỉnh khẩn trương chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Các đội tự vệ chiến đấu ngày đêm luyện tập võ thuật và phối hợp với tự vệ chiến đấu của Đại Ngãi, Nhơn Mỹ để tuần tra, canh gác. Năm 1947, tại đình thần Phụng Tường, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cách mạng mở 1 lớp học xóa mù chữ cho Thanh niên Cứu quốc làng, do ông Phan Văn Chẩn đứng lớp giảng dạy…
Chính quyền xã Song Phụng và Ban hội đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đình thần Phụng Tường. Ảnh: KIM NGỌC |
Đồng chí Hồ Quốc Hùng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Phú cho biết, trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đình thần Phụng Tường nơi tập trung lực lượng, căn cứ điểm để tổ chức các trận đánh trên địa bàn và các vùng lân cận, góp phần cùng nhân dân huyện Long Phú đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đình thần Phụng Tường và nhân dân nơi đây đã hứng chịu bao cảnh đau thương, mất mát. Nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, đình thần Phụng Tường vẫn là chỗ dựa của phong trào cách mạng của xã, là cơ sở mật, tổ chức nuôi chứa, chăm sóc cho lực lượng cách mạng, nơi tập trung lực lượng để tổ chức các trận đánh trên địa bàn xã Song Phụng và các vùng xung quanh, góp phần cùng nhân dân huyện Long Phú đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Với những thành tích đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngày 19/11/2024, Đảng ủy, UBND xã và Ban hội đình Phụng Tường long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. |
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin