Lễ hội Chrôi Rum Chếk - Nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer

Theo dõi Báo Sóc Trăng điện tử trên
THẠCH PÍCH 13:41, 15/03/2025

STO - Thị xã Vĩnh Châu là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm gần 53% dân số. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với đặc sản hành tím mà còn được biết đến với Lễ hội Chrôi Rum Chếk, hay còn gọi là Lễ hội Phước Biển, nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội truyền thống này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến hẹn lại lên

Hằng năm, cứ vào ngày 14 và rằm khe-phol-kun (theo đại lịch Khmer), tức vào ngày 14 và 15/2 âm lịch, tại khóm Cà Lăng A Biển, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu lại diễn ra Lễ hội Chrôi Rum Chếk. Đây là một sự kiện văn hóa lễ hội truyền thống thu hút hàng ngàn lượt bà con phật tử, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức thiêng liêng và trang trọng, rước tượng Phật từ chùa Sêrey Kro Săng đến khu hành lễ với đoạn đường khoảng 2km. Đi cùng có các đoàn xe, đội sadăm, dàn nhạc ngũ âm, đội múa khỉ, tạo không khí rộn ràng, sôi động. Khi tượng Phật được rước đến trước khu hành lễ, các vị chư tăng cùng bà con phật tử tiến hành làm lễ theo nghi thức chào Phật kỳ, tụng kinh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Người dân đến thắp hương cầu bình an cho gia đình. Ảnh: THẠCH PÍCH

Theo các tài liệu còn lưu lại của nhà chùa, Lễ hội Chrôi Rum Chếk là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở xứ biển Vĩnh Châu, đã có từ rất lâu năm. Ông Lý Thên - Trưởng Ban Quản trị chùa Sêrey Kro Săng cho biết: “Từ khi hình thành ngôi chùa, Lễ hội Chrôi Rum Chếk cũng đã xuất hiện tại vùng đất này. Ban đầu, lễ hội này chỉ diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ mà người có công đầu trong việc định hình lễ hội là một nhà sư Khmer tên là Ta Hu (cụ Hu). Khi đó, ông dựng một ngôi tháp trên đất giồng cát, thuộc địa điểm tổ chức lễ hội ngày nay để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái. Ông chọn ngày rằm để làm phước. Vì là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp cá tôm”.

Lễ hội này không chỉ thu hút bà con người Khmer ở xứ duyên hải Vĩnh Châu mà còn thu hút đông đảo bà con người Kinh, người Hoa ở một số tỉnh, như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ… đến tham gia hành lễ, tham quan, thắp hương cầu an cho gia đình. Đây là lễ hội dân gian gắn chặt với tôn giáo của đồng bào Khmer; đồng thời là dịp để người dân tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, tạo lập vùng đất, tạ ơn trời đất thánh thần cho họ có được cuộc sống ấm no, tạ ơn biển cả đã cho họ nhiều tôm cá; tạ ơn bãi bồi đã cho họ những cánh đồng xanh, hạt vàng nặng trĩu. Đây cũng là dịp tái hiện ý thức tình cảm của con người hướng về cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, bày tỏ sự biết ơn của biển cả đã cho người dân cuộc sống ấm no và sung túc hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Phần hội cũng được chú trọng

Sau các nghi lễ trang trọng, phần hội được chính quyền địa phương phối hợp với Ban Quản trị chùa Serey Kro Săng tổ chức với hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, như: thi đấu bóng chuyền, kéo co nam, nhảy bao nam - nữ, bó hành tím, hội thi “Giọng hát hay, đôi múa đẹp và trình diễn trang phục Khmer”, triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, thu hút hàng trăm vận động viên, thí sinh và du khách tham dự.

Đồng chí Trịnh Panh Nha - Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: "Trong những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Vĩnh Châu tổ chức hội thao, hội thi nhằm tạo không khí sôi nổi trong Lễ hội Chrôi Rum Chếk".

Bà con phật tử gần xa cúng dường. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội Chrôi Rum Chếk đã tồn tại và phát triển lâu năm, nhằm thể hiện sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở cõi, tạ ơn biển cả có nhiều tôm, cá, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn là dịp để quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách gần xa. Đặc biệt lễ hội năm nay, thị xã Vĩnh Châu còn vinh dự tổ chức lễ đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Chrôi Rum Chếk (Phước Biển) của thị xã Vĩnh Châu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Với những nghi lễ độc đáo, hoạt động phong phú, Lễ hội Chrôi Rum Chếk không chỉ là dấu ấn văn hóa Khmer mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc tại Vĩnh Châu. Nét đẹp này cần được bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt Nam.

THẠCH PÍCH