Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024

12:02, 26/12/2023

STO - Sáng ngày 26/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự hội nghị. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tô Ái Vang - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3,356 triệu người đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng; ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ước đạt trên 27.000 tỷ đồng. Có 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng. Thực hiện công tác trợ giúp đột xuất kịp thời.

Nhìn chung, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022).

Năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao các chỉ tiêu: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nhằm góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định 14 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với mục tiêu chung là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Tiếp tục đổi mới toàn diện, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đối với người có công, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

NGỌC HẢI