Sóc Trăng quyết tâm "giải cơn khát" nước sạch cho người dân nông thôn

04:36, 22/05/2024

STO - Việc cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng và "giải cơn khát" nước sạch được Sóc Trăng đặc biệt quan tâm, nhất là vào thời điểm nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài. Vấn đề trên được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn.

Kỳ 3: Sự vào cuộc của ngành chức năng

Tình hình đầu tư, mở rộng hệ thống và chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ngay những tháng đầu năm 2024, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua làm việc với các địa phương và ngành chức năng có liên quan, đoàn khảo sát tỉnh nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định…

Theo thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh thì các trạm cấp nước nông thôn tập trung và việc mở rộng các tuyến đường ống dẫn nước trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ năm 1998 đến nay. Các công trình trên được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tự cân đối nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp của đơn vị để triển khai xây dựng các công trình cấp nước đến hộ dân.

Ngành nước nông thôn Sóc Trăng quản lý 144 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Đầu năm 2024, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua làm việc với các địa phương và ngành chức năng có liên quan, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: hệ thống mạng tuyến ống cấp nước ở nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều khu vực người dân có nhu cầu sử dụng nước đã nhiều lần kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kéo nước sinh hoạt, nhưng chưa được quan tâm triển khai đầu tư hệ thống cấp nước (xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị; xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách…). Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt thấp. Lưu lượng, áp lực nước sinh hoạt một số nơi còn yếu, nhất là những nơi xa trạm cấp nước; vẫn còn tình trạng cúp nước ở một số nơi, nhưng không được báo trước... gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Hiện cơ sở vật chất kỹ thuật trạm cấp nước tại các điểm khảo sát hầu hết chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, chưa có nắp đậy bể chứa nước đầu ra (để đưa vào hệ thống ống cung cấp đến nhà dân), còn nhiều rong rêu, bụi... dễ xâm nhập vào bể, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Bằng cảm quan có thể ghi nhận chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn tại các điểm được khảo sát chưa đảm bảo, người dân phản ánh nước đầu ra tại nhà thường xuyên có màu, cặn, thậm chí một số nơi có cả côn trùng (ấp An Thạnh, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách)... nước chủ yếu chỉ sử dụng để tắm giặt, chưa đảm bảo vệ sinh để nấu ăn.

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy, việc tiếp thu phản ánh của người dân, thái độ phối hợp và triển khai khắc phục tình trạng chất lượng nước của nhân viên các trạm cấp nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt. Qua khảo sát, người dân phản ánh Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn yêu cầu các hộ dân khi lắp đặt đồng hồ nước để đấu nối vào mạng lưới phải chịu chi phí này từ 1,3 - 1,8 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, quy định “đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm và thiết bị phụ trợ khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Mặt khác, trong hợp đồng dịch vụ cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt với các hộ dân không có “thỏa thuận khác”; trong “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước” với UBND cấp xã không yêu cầu các hộ dân phải chịu chi phí khi lắp đặt đồng hồ nước để đấu nối vào mạng lưới; không có biên bản giữa đơn vị cấp nước với người dân cũng như cộng đồng dân cư trong khu vực ấp; không có kế hoạch vận động người dân tham gia đóng góp...

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chưa giải trình được cơ sở pháp lý về việc thu và định mức thu các khoản chi phí lắp đặt đồng hồ nước. Do vậy, việc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thu tiền người dân khi lắp đặt đồng hồ nước để đấu nối vào mạng lưới là không đúng với quy định của pháp luật. Các hộ dân sử dụng nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp nằm trên địa bàn các xã phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (thể hiện số tiền trên hóa đơn thu tiền nước và nội dung hợp đồng (10% trên giá bán 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là chưa đúng quy định tại Điều 5 (Các trường hợp miễn phí) Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, ngày 5/5/2020 của Chính phủ Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Một số nội dung của hợp đồng dịch vụ cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt được ký kết giữa Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn với hộ sử dụng nước chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, như: hộ dân phải chịu trách nhiệm mua thay thế đồng hồ đo nước khi bị hư hỏng, mua đồng hồ đo nước mới khi kiểm định thiết bị đo đếm nước cho kết quả không đạt sau 5 năm... Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn gặp khó khăn trong việc cân đối kinh phí để đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước tự động tại các trạm cấp nước tập trung theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT, ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường và Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT, ngày 14/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước...

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp Sóc Trăng kiểm tra tình hình cấp nước sạch nông thôn đến hộ dân nhằm có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ảnh: THÚY LIỄU

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cân đối nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống các trạm, tuyến ống cấp nước sinh hoạt nông thôn đáp ứng nhu cầu khai thác, vận hành, cung cấp cho người dân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, về bảo vệ môi trường. Khẩn trương khắc phục tình trạng nước sinh hoạt nông thôn chưa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và phải được công bố công khai để người dân biết và các cơ quan chức năng thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên các trạm cấp nước trong việc tiếp nhận, phối hợp và khắc phục kịp thời những phản ánh của người dân về các dịch vụ cấp nước. Nghiên cứu điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật đối với hợp đồng dịch vụ cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt ký kết giữa Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn với hộ sử dụng nước, bảo đảm khôi phục và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

NHÓM PV KINH TẾ - XÃ HỘI (Còn tiếp)