Sự nỗ lực vượt khó trong 6 tháng đầu năm cuối cùng ngành tôm cũng thu được “quả ngọt” bằng tốc độ tăng trưởng dương (dù chỉ 1 con số) cả về sản lượng tôm nuôi lẫn kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng còn lại của năm 2024 cũng chính là thời điểm các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường dịp lễ, Tết cuối năm, nên ngành tôm rất kỳ vọng sức tiêu thụ cũng như giá cả cũng sẽ tăng lên.
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tiếp tục đương đầu với thách thức mới đến từ việc truy thu thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ. Ảnh: TÍCH CHU
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm cả nước trong 6 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kỳ. Trung Quốc - Hồng Kông là thị trường tăng mạnh nhất với 17%. Đối với thị trường EU, tốc độ tăng trưởng cũng khá tốt, với mức tăng khoảng 13%. Tại thị trường Mỹ, dù lạm phát vẫn cao, cạnh tranh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia vẫn tiếp tục gay gắt, cộng thêm cước tàu biển tăng đột biến, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận giảm nhẹ lần lượt là 3% và 10% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, mặt hàng tôm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador, nhưng giá bán cũng đã giảm nhiều do tác động từ nguồn cung tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Theo dự báo của VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường chính, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ tăng trở lại kể từ quý III trở đi.
Cũng liên quan đến nguồn cung tôm giá rẻ, VASEP dự báo từ nay đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con. Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do Ấn Độ và Ecuador tăng cường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc với giá rẻ khiến tôm Việt Nam cũng bị giảm giá nghiêm trọng. Nếu như trước đây giá tôm ở thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 USD/kg thì nay chỉ còn khoảng 5 USD/kg. Không chỉ có thế mạnh ở tôm cỡ nhỏ và trung, năm nay Ecuador nuôi khá thành công tôm cỡ lớn, với trọng lượng trung bình 35 con/kg. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá tôm thẻ cỡ lớn trong nước giảm khá mạnh trong thời gian vừa qua. Tính chung trong 2 năm nay, giá tôm Việt Nam bình quân giảm trên 20%. Riêng tôm chế biến giá trị gia tăng về lý thuyết sẽ giảm ít hơn nhưng thực tế 2 năm nay cho thấy cũng đã giảm khá nhiều, mà theo cách nói của doanh nghiệp là hiện bán hết lời.
Tuy rất kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường dịp cuối năm, nhưng hiện không ít doanh nghiệp đứng ngồi không yên trước rủi ro đang ngày một lớn dần hơn do phía Mỹ tiến hành truy thu thuế chống bán phá giá. Theo nhận định của doanh nghiệp, nếu so với vụ kiện chống trợ cấp thì vụ chống bán phá giá sẽ nặng nề hơn, đáng sợ hơn rất nhiều và nếu không vượt qua được, nguy cơ sẽ có nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì vấn đề này. Theo các doanh nghiệp, trong 6 năm qua, nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, hiệp hội… ngành tôm Việt Nam đã thương lượng được mức thuế chống bán phá giá tại Mỹ luôn bằng 0. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chủ quan, đến khi nguyên đơn đề nghị truy thu, doanh nghiệp bị đơn lúng túng trong việc minh bạch, chứng minh mình không bán phá giá.
Thuế chống bán phá giá tôm nước ấm vào thị trường Mỹ là không mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, nhưng lần này được dự báo là bất lợi không nhỏ với các cáo buộc về gian lận thương mại và báo cáo không trung thực về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Mỹ. Nếu bị áp 2 sai phạm này, mức thuế chung sẽ vào khoảng 25%, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Đây là vấn đề mới phát sinh và nếu không vượt qua được sẽ có nhiều doanh nghiệp bị truy thu mức thuế rất cao, nên hiện VASEP cũng như các doanh nghiệp có kinh nghiệm đang tích cực hỗ trợ cho 2 bị đơn bắt buộc này. Cũng có giải pháp giúp ngành tôm giảm bớt rủi ro trong vụ việc này, theo như khuyến nghị của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), bị đơn bắt buộc thứ nhất (có sản lượng tôm xuất vào Mỹ nhiều nhất trong niên độ kiểm tra) phải tự nguyện xin rút khỏi bị đơn bắt buộc, chấp nhận chịu mức thuế cao nhất. Khi đó, DOC sẽ chỉ xem xét đối với bị đơn bắt buộc thứ hai mà theo các doanh nghiệp là nếu có bị áp thuế thì mức thuế cũng sẽ thấp hơn rất nhiều.
TÍCH CHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin