Trẻ em dưới 10 tuổi, thấp hơn 1,35m không được ngồi ghế hàng trước ô-tô

14:37, 03/07/2024

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên xe ô-tô thì không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô-tô chỉ có một hàng ghế. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m không được ngồi ghế hàng trước ô-tô khi tham gia giao thông đường bộ.

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m không được ngồi ghế hàng trước ô-tô khi tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 27/6 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có một số quy định liên quan bảo đảm an toàn cho trẻ em khi ngồi trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Cụ thể, khoản 3 Điều 10 của Luật quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe (hàng ghế trước) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế.

Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, sử dụng và hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ghế trước là các vị trí nguy hiểm nhất trên ô-tô trong những trường hợp va chạm. Khu vực này sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe.

Hệ thống an toàn chính của ô-tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn. Trẻ em có thể trạng nhỏ hơn, không phù hợp với các hệ thống này. Không may, trong trường hợp xảy ra tai nạn, do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có thể gặp nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi.

Bên cạnh đó, khả năng tự chủ và ý thức hành vi của trẻ trong các sự việc thường chưa cao. So với người lớn, trẻ nhỏ chưa thể hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi của mình. Trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò và thích nghịch ngợm. Do vậy, nếu ngồi ở ghế trước, rất dễ gây ra những hành động khiến người lái mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.

Trên thế giới, nhiều nước đã có quy định cụ thể về ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em ở các lứa tuổi, chẳng hạn như Đức, Pháp, Nga, Anh, Mỹ…

Bắt buộc gắn camera trên xe chở học sinh

Điều 46 của Luật quy định việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô-tô chở trẻ em mầm non, học sinh.

Theo đó, xe ô-tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh hoặc ô-tô kinh doanh vận tải kết hợp hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh.

Đồng thời, phải có thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, xe ô-tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật. Lái xe ô-tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô-tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô-tô.

Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ quy định tại khoản 3 Điều 10 (hiệu lực từ 1/1/2026).