Kỳ 2: Huyện Long Phú phát huy thế mạnh nông nghiệp
Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình dọc đường Nam Sông Hậu là huyện Long Phú. So với các địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng, huyện Long Phú có nền kinh tế nông nghiệp tương đối phát triển cả về năng suất lẫn chất lượng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để canh tác, sản xuất. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để canh tác, sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ước tổng diện tích lúa xuống giống 37.946,93ha, tăng 1.954ha so cùng kỳ; vụ lúa Đông - Xuân và Đông - Xuân muộn đã thu hoạch dứt điểm được 21.993,73ha; ước tổng sản lượng lúa 129.793 tấn, tăng 6.881 tấn so cùng kỳ; tỷ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đạt 98,31%; tỷ lệ lúa đặc sản, lúa thơm các loại đạt 37,8%. Vụ Hè - Thu năm 2024, huyện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai mô hình điểm 50ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức) thuộc Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Trên địa bàn huyện Long Phú có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao bưởi da xanh Trường Phát và 15 sản phẩm 3 sao. Đến nay, huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm xã Long Phú, Tân Hưng đạt chuẩn nông thôn mới và xã Long Đức, Hậu Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ông Triệu Rết, xã Long Phú (huyện Long Phú) cho hay: “Được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp nên đời sống, sản xuất của người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt địa phương ngày càng đổi mới”. Riêng ông Võ Thanh Đông, xã Long Đức tâm tình: “Địa phương có sự phát triển đáng kể, người dân luôn cố gắng lao động, làm giàu trên mảnh đất quê hương và thực sự có nhiều hộ đã vươn lên khá giàu”.
Người dân phấn khởi với vụ mùa bội thu. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Mặc dù số lượng vườn cây ăn trái không nhiều, nhưng địa phương có một loại nông sản mới được phát triển sau này đã nức tiếng gần xa, đó là chanh leo ngọt Sáu Công tại xã Song Phụng. Đó là loại cây được lai tạo bởi người nông dân Nguyễn Hữu Công. Do đó, tôi quyết định ghé vườn chanh leo ngọt Sáu Công để tham quan một lần cho biết. Đi một vòng vườn chanh, tôi được chủ vườn đãi những quả chanh vừa chín tới mới được hái xuống, vị ngọt thanh pha lẫn chất chua nhẹ thấm qua đầu lưỡi, uống thêm ly nước chanh leo mát lạnh, giải khát tuyệt vời buổi trưa nắng gắt.
“Ở xứ này, cây nhãn lồng hay còn gọi là lạc tiên mọc hoang khá nhiều, khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt, trái chín có vị chua nhẹ, ngọt, nếu đem ghép với chanh leo sẽ cho ra 1 loại quả có ưu điểm đó là vị ngọt thanh, thơm đậm đà mà cây lại khỏe. Vậy là tôi quyết định ghép cây chanh dây với gốc cây nhãn lồng và đã thành công với giống chanh leo ngọt”, ông Công ở xã Song Phụng chia sẻ. Hiện nay, toàn bộ diện tích mấy hécta trồng chanh dây của ông Sáu Công được chứng nhận VietGAP, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng và là sản phẩm tiêu biểu để đi tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị khắp cả nước.
Từ vườn chanh leo ngọt Sáu Công, tôi tiếp tục rong ruổi dọc theo Quốc lộ Nam Sông Hậu hướng về phía Nam, để nghe trong tiềm thức vọng về lời các bậc tiền nhân kể nhiều câu chuyện hay về lịch sử vùng đất. Ngược dòng thời gian, trong giai đoạn thực dân - phong kiến, thời điểm trình độ sản xuất của người dân lao động huyện Long Phú còn rất thấp. Tuy nhiên, những hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại đã khá đa dạng và phong phú. Hoạt động kinh tế của người Hoa có các loại hình dịch vụ thương mại hình thành nên những trung tâm thương mại nhộn nhịp như chợ Bang Long, Trường Khánh, Đại Ngãi.
Riêng về xứ Đại Ngãi cũng có lịch sử lâu đời, theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Vàm Tấn là tên gọi đầu tiên của làng Đại Ngãi xưa kia. Từ năm 1867 trở về trước, Vàm Tấn được chọn làm nơi đặt phủ lỵ Ba Xuyên; đến năm 1868 người Pháp thành lập khu Thanh tra thì trụ sở phủ lỵ được chuyển về đặt tại làng Khánh Hưng, nay là trung tâm Sóc Trăng. Vàm Tấn vốn là địa bàn chiến lược về kinh tế, quân sự nên người Pháp tiếp tục lập đồn trấn thủ, xây dựng phòng Bưu điện, đồn Thương chính, sở nấu rượu biến Vàm Tấn thành một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng bấy giờ. Theo cụ Vương Hồng Sển, ngay cửa sông Vàm Tấn là nơi sinh sống duy nhất của giống cá cháy có thịt rất ngon, xứng danh “kỳ trân thủy vật”, thịt cá cháy rất đắt tiền nên chỉ dành riêng cho bậc quyền quý, tầng lớp thượng lưu. Ngày nay, cá cháy không còn nhưng danh tiếng của nó vẫn được người đời truyền tụng. Thị trấn Đại Ngãi đang từng ngày thay da đổi thịt với các thành tựu đạt được trên các mặt của đời sống xã hội, đời sống người dân ngày càng nâng lên.
Hiện trên địa bàn huyện Long Phú có Dự án cầu Đại Ngãi kết nối tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng được khởi công từ tháng 10/2023. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sau khi công trình hoàn thành sẽ xóa toàn bộ các điểm phà vượt sông đi qua các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long từ Cà Mau đến Thành phố Hồ Chí Minh, nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho khu vực, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, còn mở ra động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, phát huy được những tiềm năng, lợi thế.
Được biết, trong thời gian tới, huyện Long Phú tiếp tục triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huyện tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với sở, ngành tỉnh liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện. Đồng thời, huyện duy trì thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về sự cần thiết của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao năng lực hệ thống y tế. Huyện Long Phú tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Về những vùng quê huyện Long Phú hôm nay, chúng tôi sẽ cảm nhận được sự đổi thay rõ nét về mọi mặt. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân có nhiều cải thiện.
HOÀNG PHÚC
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin