Kỳ 4: Về đô thị ven biển Vĩnh Châu
Nếu huyện Kế Sách là điểm đầu của tuyến đường Nam Sông Hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thì thị xã Vĩnh Châu chính là điểm cuối của tuyến đường này. Thị xã Vĩnh Châu tiếp giáp với cửa ngõ tỉnh Bạc Liêu. Ngày 25/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về việc thành lập thị xã Vĩnh Châu, thành lập các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu và thành lập thị trấn Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Công trình điện gió ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG PHÚC
Thị xã Vĩnh Châu cũng là điểm cuối của chuyến hành trình Nam Sông Hậu. Đứng trên cầu Mỹ Thanh 2, tôi đã thấy choáng ngợp trước cánh đồng điện gió trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Từng cánh quạt quay đều mang lại dòng điện hòa vào điện lưới quốc gia, góp phần tạo nên nguồn năng lương sạch cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển, phục vụ và cung cấp nguồn điện sản xuất, sinh hoạt và cả xuất khẩu trong tương lai. Rồi tôi bất chợt ghé mắt xuống dòng Mỹ Thanh để nhớ về huyền sử của một nàng công chúa.
Công chúa Mỹ Thanh là con gái của chúa Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu và sau này chính là vua Gia Long của triều Nguyễn. Tương truyền, công chúa Mỹ Thanh bị bệnh mất, được an táng bên bờ sông, ngay cửa biển nên người dân địa phương đã lấy tên nàng đặt cho dòng sông và cửa biển ấy: sông Mỹ Thanh và cửa biển Mỹ Thanh đổ ra biển Đông. Sau này khi bắc cây cầu mới nối liền huyện Trần Đề với thị xã Vĩnh Châu trên cung đường Nam Sông Hậu, chính quyền địa phương cũng đặt tên là cầu Mỹ Thanh 2, vì cầu Mỹ Thanh 1 được xây dựng trước đó.
Cạnh cầu Mỹ Thanh 2 là Khu du lịch sinh thái Hồ Bể tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải. Nơi đây, tuy còn khá hoang sơ nhưng ẩn chứa nét đẹp của một khu vui chơi vùng ven biển, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, giải trí. Từ Khu du lịch sinh thái Hồ Bể phóng tầm mắt nhìn cảnh trời biển mênh mông, ngoài kia từng đoàn tàu vươn ra biển lớn. Anh Dương Vi Phú, một du khách đến từ huyện Long Phú cho biết: “Tôi nghe tiếng Khu du lịch Hồ Bể đã lâu, đây là lần đầu tôi đến đây. Mặc dù điểm đến này còn hoang sơ nhưng cảnh vật lại hữu tình, không khí trong lành, mát mẻ. Lần sau có dịp tôi sẽ quay lại đây tham quan một lần nữa”.
Anh Hai, một chủ quán cà phê ở Khu Du lịch sinh thái Hồ Bể cho biết: “Mỗi ngày đều có du khách đến tham quan, đông nhất là ngày lễ, ngày cuối tuần. Du khách đến đây đi dạo, ngắm cảnh, tắm biển và ăn các món đặc sản biển”.
Rời Khu Du lịch sinh thái Hồ Bể tôi tìm đến Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki (xã Vĩnh Hải). Hợp tác xã đã có nhiều hoạt động tích cực, thiết thực, hỗ trợ thành viên trên các mặt, giúp người trồng giảm được nhiều chi phí đầu tư, giá bán cao hơn. Sản phẩm hành tím của hợp tác xã hiện đã có mặt trong hệ thống các siêu thị trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Thạch Dil - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki cho biết: “Hiện tại, hợp tác xã có 30 thành viên. Nhờ canh tác theo quy trình hữu cơ sinh học nên người trồng giảm được nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, nhờ liên kết sản xuất nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi, giá bán cao hơn thị trường từ 5 - 10%. Tham gia vào hợp tác xã, thành viên được cung cấp vật tư đầu vào (phân bón - thuốc bảo vệ thực vật), được tập huấn kỹ thuật, được liên kết đầu ra sau thu hoạch”.
Vĩnh Châu có địa hình bằng phẳng, hướng dốc nghiêng dần từ biển vào trong nội đồng. Xen kẽ những giồng cát ven biển là dải đất thấp, trũng theo hướng Đông Tây. Hệ thống đê đập ngăn mặn đã được xây dựng hoàn chỉnh dọc sông Mỹ Thanh và ven biển Đông. Đất giồng cát được hình thành sớm, có địa hình cao đang được sử dụng trồng nhãn, rau màu có hiệu quả.
Từ đó, thị xã Vĩnh Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp, thủy sản với thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, trồng màu, cây ăn trái; sản xuất công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo (điện gió); phát triển du lịch sinh thái… Anh Kim Hùng Linh, Phường 1 (thị xã Vĩnh Châu) bộc bạch: “Nếu so với trước đây, thị xã bây giờ mỗi ngày mỗi đổi mới, phát triển đi lên, nhiều công trình được xây dựng phục vụ đời sống người dân”.
Thị xã Vĩnh Châu được xem là thủ phủ hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo đó, trong nông nghiệp, Vĩnh Châu đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau màu, vùng nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao. Đặc biệt, sản phẩm “Hành tím Vĩnh Châu” và “Artermia Vĩnh Châu” đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn thị xã xuống giống hoa màu được 11.019ha, đạt 100,08% kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển. Diện tích nuôi trồng trên địa bàn thị xã đạt 19.996ha, đạt 68,25% kế hoạch; sản lượng thủy sản đạt 63.073 tấn, đạt 49,82% kế hoạch. Diện tích đất làm muối 107ha, sản lượng 6.574 tấn. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thị xã được đẩy mạnh; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa. Các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh; các lĩnh vực du lịch, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, thị xã Vĩnh Châu hôm nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đầy triển vọng với diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Đây là điều kiện thuận lợi, là động lực để thị xã tiếp tục bứt phá trở thành một đô thị ven biển năng động.
HOÀNG PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin