Thiếu vốn tín dụng chính sách khôi phục sản xuất sau lũ

THẾ BÌNH 07:06, 03/11/2024

Mưa lũ do bão số 3 vừa qua gây thiệt hại rất lớn ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó có gần 7.400 hộ gia đình, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hoặc mới thoát nghèo, cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, bị thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách để khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm khoảng 250 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chưa có vốn để cho vay.

Mưa lũ khiến 22 ha đào của hơn 270 hộ gia đình tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) bị chết, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.

Mưa lũ khiến 22 ha đào của hơn 270 hộ gia đình tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) bị chết, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.

Cam Giá là phường trồng đào rộng lớn, trù phú nhất bên sông Cầu thuộc thành phố Thái Nguyên. Sau lũ, phường trở nên tan hoang, tiêu điều, thiệt hại vô cùng nặng nề. Người dân xót xa bởi đào cổ thụ, đào thế bị úa héo rồi chết khô, không có cách nào hồi phục. Gia đình bà Phùng Thị Minh Hồng, ở Tổ 4, phường Cam Giá có năm sào đất trồng đào với khoảng 450 cây đào cổ thụ, đào thế bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Vườn đào với 1.400 cây đào cổ thụ, đào huyền, đào cành của anh Nguyễn Văn Hiển (ở Tổ 7, phường Cam Giá), sau trận lũ hơn một tháng, cũng chết khô, đang được thu dọn. Anh Hiển chia sẻ đầy xót xa: "Tất cả vốn liếng của gia đình tôi đều tập trung vào vườn đào, đáng lẽ thời điểm này đang hào hứng dồn lực chăm sóc để chuẩn bị phục vụ Tết. Nhưng năm nay, lũ lụt không chỉ làm mất trắng mà còn phải tập trung nhân lực thu dọn để tính khôi phục lại vườn đào cho năm sau".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Thái Nguyên Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Mưa lũ đã khiến 22 ha đào của hơn 270 hộ gia đình ở phường Cam Giá bị chết, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng. Nhiều hộ trồng đào mất trắng sau lũ, trong đó 84 hộ đủ điều kiện, có nhu cầu vay hơn 9,3 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách với nhiều ưu đãi để trồng lại đào, giải quyết việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chưa thu xếp được nguồn vốn này để cho vay. Chúng tôi đang đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ nguồn vốn này".

Trong khi chờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất hợp lý, không phải thế chấp để khôi phục vùng trồng đào, giải quyết việc làm, người dân vùng trồng đào Cam Giá đang tập trung phá bỏ những gốc đào chết, cải tạo đất, rắc vôi bột khử trùng, sau đó tính việc mua cây đào giống và mắt ghép, hy vọng sang năm sẽ có đào bán dịp Tết.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho biết: Mưa lũ do bão số 3 gây thiệt hại rất lớn đối với khách hàng của toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn. Cụ thể, 7.386 khách hàng vay vốn tín dụng chính sách xã hội tại 133 xã trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại gần 17.000 con gia súc, gia cầm; gần 8.000 ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị hư hỏng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính gần 395 tỷ đồng. Để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn chưa thực hiện thu lãi đến ngày 31/12/2024; điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị thiệt hại theo đúng quy định.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên, nhu cầu tiếp tục vay vốn tín dụng của các hộ bị thiệt hại do mưa lũ để khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm là khoảng 250 tỷ đồng. Sau khi bị thiệt hại, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn đang đứng trước nguy cơ lún sâu vào nghèo khó, tái nghèo, nhu cầu tiếp tục được vay vốn tín dụng chính sách để khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh không thể đáp ứng, vì chưa có nguồn. Theo ông Lê Văn Hồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên bổ sung nguồn vốn để kịp thời cho các hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn vay khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm sau lũ lớn. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Rất mong ngân hàng và các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung vốn cho người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN