Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá. Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.
Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp. Khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt khách...
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) về chương trình hợp tác giữa hai bên
Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Đánh giá về quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho biết, ông đã nghiên cứu rất kỹ bản quy hoạch của Bình Phước cũng như các phụ lục về phân bố đất đai, vùng phát triển, những địa bàn tổ chức, phân bố không gian phát triển khá hợp lý. Bình Phước đã hình thành được bản quy hoạch tương đối bài bản. Đó xem như kim chỉ nam để tỉnh tiến hành quy hoạch chi tiết các ngành, địa phương và không gian phát triển.
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin… Phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 3 nhóm ngành chủ lực, gồm: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).
Theo quy hoạch, Bình Phước sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ…
Tỉnh cũng sẽ tập trung huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú và Hớn Quản. Mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha. Toàn tỉnh phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây... Tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh quy mô 25.864 ha.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, Bình Phước đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, huyện Hớn Quản
Ông Alex Tung, Phó hiệp lý Công ty TNHH Shyang Ying, Khu công nghiệp Đồng Xoài II chia sẻ: Năm 2014, công ty đã xem xét, đánh giá rất nhiều khu vực ở Bình Phước và nhận thấy Khu công nghiệp Đồng Xoài II là vừa ý nhất. Đồng Xoài không chỉ thuận lợi về giao thông mà cả trong công tác tuyển dụng lao động.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của Bình Phước cũng rất quan tâm, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là về chính sách. Hiện nay, ngoài xưởng ở Đồng Xoài, công ty còn có 1 xưởng ở huyện Lộc Ninh. Hai xưởng đang mở rộng quy mô liên tục, nếu tình hình đơn hàng ổn thì vẫn tiếp tục mở rộng thêm sản xuất tại đây. Bình Phước thực sự là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, nếu khai thác tốt đây sẽ là con đường làm giàu nhanh cho tỉnh.
Quy hoạch với những định hình cụ thể về không gian phát triển, là căn cứ khoa học để Bình Phước hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển
Bình Phước phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ
Bình Phước ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đến đầu tư
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, muốn phát triển, tỉnh phải xem doanh nghiệp là lực lượng chủ đạo của sự phát triển và nền tảng cốt lõi là doanh nghiệp tư nhân. Phải hướng tới lực lượng doanh nghiệp chất lượng ngay từ đầu và liên kết lại với nhau để cùng phát triển; trụ cột nếu là doanh nghiệp của tỉnh thì càng tốt. “Bình Phước còn nhiều dư địa để “làm tổ”, thu hút đại bàng về cho mình. Đại bàng có thể do mời đến hoặc tự mình lập ra, đó là nghệ thuật trong thu hút đầu tư” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ.
Là tỉnh có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong nông nghiệp, tuy nhiên, sản xuất tại Bình Phước còn thiếu bền vững so với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước tập trung phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.
Bình Phước có lợi thế về đất đai để hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn
Bình Phước có lợi thế về đất đai để hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn
Tỉnh cũng sẽ phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long. Xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Bình Phước có lợi thế về đất đai để hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn
Ông Phạm Thụy Luân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Quy hoạch tỉnh với những định hướng, phân vùng phát triển cụ thể sẽ là căn cứ quan trọng để ngành kêu gọi, phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.
Trước mắt, ngành tiếp tục hoàn thành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Đồng thời phát huy thế mạnh về vị trí địa lý và quỹ đất dồi dào để hình thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm giống cây trồng của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Xoài được xây dựng trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Theo quy hoạch, xây dựng Đồng Xoài trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh
Bình Phước sẽ tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo 3 vùng phát triển. Phía Nam gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú, đây là trung tâm kinh tế, công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh.
Vùng phía Tây gồm thị xã Bình Long, Hớn Quản và Lộc Ninh, trung tâm phát triển là thị xã Bình Long. Vùng phía Đông Bắc gồm thị xã Phước Long, các huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Phú Riềng và Bù Đăng, trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.
Ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài cho biết, đến nay 100% diện tích của thành phố đã được quy hoạch phân khu, 50% diện tích đã được quy hoạch chi tiết. Đối với đất xây dựng đô thị, thì đây là những cơ sở để thành phố kêu gọi đầu tư, cũng như đầu tư theo quy hoạch.
Bình Phước phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ
Được xây dựng trên cơ sở phát huy các lợi thế chiến lược như đất đai và vị trí địa lý, giải quyết những “nút thắt”, đảm bảo giao thông kết nối, quy hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh sắp xếp không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh của địa phương nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát triển giàu mạnh và văn minh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: “Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cùng với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các tuyến đường kết nối vùng khác sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn; tạo không gian, hành lang, vành đai kinh tế, động lực phát triển mới. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh và khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất để thúc đẩy dịch chuyển công nghiệp; hình thành các cụm liên kết, các vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch… Đây sẽ là “con đường làm giàu cho tỉnh Bình Phước” như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định”.
Tài nguyên đất đai rộng lớn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái
Để phát huy lợi thế vùng dự trữ phát triển công nghiệp, Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với những khu, cụm công nghiệp đang dần hình thành, Bình Phước cần tổ chức những cứ điểm sản xuất, có doanh nghiệp đầu đàn đủ khả năng hình thành các vệ tinh của nó nhằm tạo cảm hứng, sự lan tỏa trong thu hút đầu tư. Bình Phước phải tạo nên chuỗi sản xuất tương đối ổn định, đi đầu trong công nghệ số. Đối với Bình Phước trước hết là kinh tế số, kinh tế xanh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đã đọc và nghiên cứu nhiều thông tin về quy hoạch tỉnh, ông Vũ Xuân Họa ở ấp 3, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài cho biết, đây không phải là vấn đề riêng ông quan tâm mà rất nhiều người dân cũng muốn biết nhiều hơn về quy hoạch tỉnh. Bởi quy hoạch sẽ là căn cứ để người dân đầu tư phát triển. Quy hoạch đã được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các chuyên gia kinh tế, các bộ, ngành và được Thủ tướng Chính phủ thông qua sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, hoặc quy hoạch treo, quy hoạch không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên. Đặc biệt, sau khi quy hoạch của tỉnh được công bố sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư. Khi đó gia đình tôi và con cháu tôi có công ăn việc làm thì mọi gia đình đều được ấm no hạnh phúc.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thiết lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh với 6.873,56km2; phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước.
Chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Miền Đông, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: “Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Đầu tư mở rộng các khu công nghiệp tập trung; ưu tiên thu hút theo cụm ngành công nghiệp phù hợp. Chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng bên cạnh tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế”.
Quốc lộ 13 kết nối TP. Hồ Chí Minh lên Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh được đầu tư khang trang, kiên cố đảm bảo cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa kết nối liên vùng
Hiện nay, Bình Phước đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn. Để quy hoạch thực sự mang lại hiệu quả, Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững.
Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư kết nối Bình Phước sang Vương quốc Campuchia
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh cho biết, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tỉnh ủy sẽ có những chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung trong thời gian tới. Tập trung đầu tiên là triển khai thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thứ hai là cụ thể hóa nội dung quy hoạch để hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Đây là giải pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, nội dung quy hoạch cấp tỉnh. Thứ ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ, cùng tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả.
“Tiềm năng, thế mạnh đã được xác định, điểm nghẽn đã được chỉ rõ, mục tiêu cụ thể, định hướng, giải pháp rõ ràng. Bình Phước đã có 1 hệ sinh thái đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định và bền vững, để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Chúng ta sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chia sẻ.
Bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Bình Phước nhất định đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của vùng và cả nước, cho một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo Bình Phước
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin