“Lấy dân làm gốc” - nguyên tắc nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam

09:56, 30/04/2024

Xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ, tiến bộ, văn minh là mong muốn, khát vọng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu, khát vọng đó, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định cần phải dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”, bởi lẽ nhân dân chính là lực lượng to lớn, là chủ thể quan trọng quyết định mọi sự thành công hay thất bại của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Buổi tiếp công dân định kỳ tháng 3/2024 tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Kon Tum. (Ảnh UBND tỉnh Kon Tum)

Buổi tiếp công dân định kỳ tháng 3/2024 tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Kon Tum. (Ảnh UBND tỉnh Kon Tum)

Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, “lấy dân làm gốc” đã trở thành quan điểm, nguyên tắc nhất quán trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đảng ta luôn nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, to lớn của nhân dân, đồng thời quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong toàn hệ thống chính trị, ở mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.

Tại Đại hội VI, Đảng ta đã xác định rõ: “phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”.

Các Đại hội tiếp theo, quan điểm của Đảng vẫn luôn nhất quán khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân, rằng, nhân dân là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, do đó, cần phải dựa vào dân, tin tưởng và phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; do đó, “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; phải luôn “thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân”; phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời nhân dân phải được “quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”. Trong mọi quyết sách và mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn “lấy nhân dân làm trung tâm”, phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân”, “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,…

Cùng với các Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản, pháp luật khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải thực sự coi trọng nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Song song đó, việc xây dựng, ban hành các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật… của Nhà nước đều thực hiện lấy ý kiến góp ý của đông đảo tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, từ đó sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn kiện, chính sách, pháp luật cho phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Tại các tổ chức, cơ quan Nhà nước đều có bộ phận tiếp công dân, có hòm thư, sổ ghi qua đó tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh, tố giác,… của nhân dân.

Đặc biệt, chúng ta có Ban Dân nguyện của Quốc hội phụ trách tiếp nhận, xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân từ các bộ phận tiếp dân ở cơ sở, ban ngành… trên cơ sở đó xem xét, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, tính đến ngày 5/10/2023 đã có 2.474/2.765 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 89,5%, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống và các quyền lợi thiết thực của người dân.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước cũng tích cực chỉ đạo các tổ chức, lực lượng, cơ quan, ban, ngành, địa phương phải luôn quán triệt tốt quan điểm “lấy dân làm gốc”, luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, lấy quyền và lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân làm căn cứ để thực hiện các chính sách theo hướng bảo đảm, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm toàn bộ tiến trình xây dựng, phát triển đất nước đều là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, hay bị gạt ra khỏi quỹ đạo phát triển của đất nước.

Mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước đều được xây dựng, tổ chức thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, giữa các chủ thể, thành phần kinh tế, đồng thời có sự hỗ trợ, tạo điều kiện hơn cho những chủ thể kinh tế ở những địa bàn khó khăn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đảng và Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá, tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân để kịp thời có những thay đổi, điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp, cách thức để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tham gia vào các công việc của các cơ quan Nhà nước theo đúng nguyên tắc phải để dân được “biết”, được “bàn”, được “làm”, được “kiểm tra”, được “giám sát” việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là tham gia vào những công việc lớn, hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, an ninh lãnh thổ, đường lối phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời được “thụ hưởng” những thành quả của tiến trình phát triển đất nước.

Như vậy, “lấy dân làm gốc” không chỉ là quan điểm nhất quán trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị mà hơn thế còn là phương thức, cách thức hữu hiệu để thực hiện tốt dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân trong thực tế.

Tuy nhiên, với thái độ thù địch và mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực phản động thường xuyên công kích, bôi nhọ, xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố “lấy dân làm gốc” chỉ là khẩu hiệu được ghi trong văn kiện của Đảng để làm màu, tô vẽ ca ngợi Đảng, chứ không hề được thực hiện trong thực tế.

Các đối tượng chống phá bịa đặt rằng mọi chủ trương, chính sách của Việt Nam đều xuất phát từ ý Đảng, ý chí của quan chức và phục vụ cho lợi ích của nhóm các lãnh đạo có chức quyền chứ thực sự không hề vì dân, quan tâm đến dân, chăm lo cho dân.

Thậm chí, người dân còn bị bỏ rơi, bị gạt ra khỏi tiến trình phát triển, cho nên dù đất nước đã có nhiều khởi sắc nhưng đại bộ phận nhân dân phải chịu cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều quyền công dân, quyền con người bị vi phạm…

Không khó để nhận thấy mưu đồ chính trị đen tối đằng sau những lời xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn đó của các thế lực thù địch, phản động là nhằm công kích, bôi xấu Đảng, Nhà nước, phủ nhận những nỗ lực và thành tựu tốt đẹp của Đảng và Nhà nước Việt Nam bao năm qua trong việc thực hiện dân chủ, luôn trọng dân, gần dân, luôn coi nhân dân là trung tâm của mọi chủ trương, chính sách, coi việc bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, đem lại hạnh phúc cho đông đảo tầng lớp nhân dân là khát vọng, mục tiêu, động lực của toàn bộ tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Thực tế cho thấy, chính nhờ luôn kiên định và thực hiện tốt nguyên tắc “lấy dân làm gốc” cho nên Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam những năm qua đạt những thành tựu rất đáng tự hào không chỉ về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, giữ vững an ninh chủ quyền lãnh thổ, nâng cao vị thế, tầm vóc, uy tín đất nước,… mà quan trọng hơn là những thành tựu về thực hiện dân chủ, đem đến cho người dân Việt Nam cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Chỉ tính riêng những thành tựu mà Việt Nam đạt được năm 2023 vừa qua như: Áp dụng mọi biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đem lại thu nhập bình quân cho người dân đạt 4.284 USD (tăng gấp hơn 40 lần so với năm 1990); nỗ lực thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo để hạ tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%; cân đối các nguồn lực để bảo đảm trợ cấp hằng tháng cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ cho 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói, trợ giúp, chăm sóc trên 90% người khuyết tật, người cao tuổi...; hay việc Đảng và Nhà nước tìm mọi cách huy động mọi lực lượng, nguồn lực thậm chí chấp nhận thiệt hại về kinh tế tạm thời để hỗ trợ người dân, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng hành cùng nhân dân vượt qua những năm đại dịch Covid-19, những đợt thiên tai, bão lũ, không để ai bị đói, khát, thiếu chỗ ở,… tất cả đều là những minh chứng sống động về sự trọng dân, vì dân, coi dân là gốc, luôn lấy dân làm gốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời giúp phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, công kích của các thế lực thù địch, khẳng định bản chất dân chủ ưu việt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Việt Nam.

TIẾN SĨ HOÀNG THỊ KIM OANH/ BÁO NHÂN DÂN