Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

06:34, 31/08/2024

STO - Ngày 9/8/2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng đã có Thông báo kết luận số 23/TB/BCĐ về giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước.

Thời gian qua, các cấp ủy chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tập trung lãnh đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng các văn bản quy định về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng; các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, Luật Phòng, chống tham nhũng... Ngoài ra, còn quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến học tập nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các cấp ủy doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước còn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hình thức tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị, gửi văn bản và Zalo nhóm, Facebook của đơn vị. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của đảng viên, đoàn viên, người lao động đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Buổi giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SỚM MAI

Để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ cơ sở theo quy định của Ban Bí thư, cấp ủy các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã cụ thể hóa, xây dựng quy chế làm việc phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Khi đó, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy đảng với hội đồng quản trị, giám đốc công ty nhằm xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong phát triển doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng. Thực tế, các cấp ủy doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đã có sự chủ động xây dựng quy hoạch, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, bản lĩnh, uy tín, am hiểu công tác Đảng tham gia cấp ủy; giới thiệu cán bộ, đảng viên có uy tín để chủ doanh nghiệp xem xét, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý... Những tổ chức đảng có cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy là giám đốc, chủ doanh nghiệp đã thể hiện rõ vị trí, vai trò, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển của doanh nghiệp, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng được nâng lên. Qua đó, tạo niềm tin, nâng cao uy tín của tổ chức đảng đối với chủ doanh nghiệp, người lao động.

Tuy nhiên, theo kết luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cấp ủy doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước vẫn còn tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Trong đó, việc triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế, chưa kịp thời. Một số văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo và của cấp ủy cấp trên chưa được các doanh nghiệp, tổ chức đảng khu vực ngoài nhà nước tiếp cận và triển khai thực hiện; chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tổ chức đảng ngoài khu vực nhà nước chưa bảo đảm theo yêu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại một số đơn vị chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu. Tổ chức đảng, đảng viên khu vực ngoài nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về các văn bản chỉ đạo, Luật Phòng, chống tham nhũng. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chưa quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ, chi bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm.

Theo Thông báo kết luận do đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh ký đã chỉ đạo, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động, giáo dục sâu, rộng những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước. Thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu đơn vị; đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động để “biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu”. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước cần tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, khuyến khích các doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ một cách thiết thực, hiệu quả. Không nóng vội, “đốt cháy giai đoạn” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khu vực ngoài nhà nước.

Hằng năm, cấp ủy đảng doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước căn cứ vào tình hình hoạt động thực tiễn của đơn vị xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp ủy, tổ chức đảng. Khi đó, chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác phòng, chống tiêu cực tại doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bảo đảm đúng chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh về công tác này. Rà soát các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc triển khai các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cụ thể hóa thành văn bản chỉ đạo của cấp ủy đảng các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh thường xuyên theo dõi, kịp thời quán triệt, hướng dẫn nội dung và cung cấp thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cấp ủy đảng các doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm “ngăn chặn từ đầu, xử lý từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực trong hay khu vực ngoài nhà nước đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển. Khi đó, mọi hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành vấn đề thường trực tác động tích cực vào nếp nghĩ, tác phong, hành vi công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Quan điểm của Đảng ta lấy “phòng là chính”, làm sao từ suy nghĩ đến hành động của cán bộ, đảng viên phải chuẩn mực, đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng quy trình, đáp ứng niềm tin yêu của nhân dân.

SỚM MAI - HỒNG TÂN