Cải thiện thu nhập cho người dân
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, để người dân tham gia Chương trình OCOP, thời gian qua, địa phương tập trung triển khai chương trình tại các xã, thị trấn; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia thực hiện; tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh có sản phẩm tiềm năng xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia OCOP. Nhờ đó, sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh được địa phương tích cực hỗ trợ.
Anh Mã Văn Hồng - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết:
Khi tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, các sản phẩm chả, khô và chà bông làm từ cá rô phi cũng được nâng tầm, bán chạy hơn trên thị trường vì người tiêu dùng tin tưởng. Sau khi được các sở, ban ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều hội chợ thương mại quy mô lớn và thị trường như: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội… Nhờ đó, 49 thành viên hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định, không còn hộ nghèo, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
“Hiện hợp tác xã phát triển thêm sản phẩm tôm khô, tôm sú sấy dẻo, chà bông tôm, bánh phồng tôm và muối tôm được làm từ các nguyên liệu của địa phương. Hợp tác xã cũng chú trọng đến chất lượng, thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất để được gắn sao OCOP. Hy vọng sẽ được người tiêu dùng đón nhận”, anh Hồng thông tin.
Anh Mã Văn Hồng (người bên phải) - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tham gia giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã tại Tuần lễ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh được tổ chức tại Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN |
Theo chị Lê Thị Đợi - Chủ hộ kinh doanh mắm tép Cô Đợi, ấp Hòa Đặng, xã Ngọc Đông, mắm tép được chị làm cách đây khoảng 7 năm, chủ yếu bán cho người dân địa phương, bạn bè thân quen với số lượng không nhiều. Nhưng từ khi tham gia OCOP, được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, bây giờ thương hiệu mắm tép Cô Đợi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, nhờ đó thu nhập gia đình tăng theo. Hiện chị Đợi đang làm thủ tục để sản phẩm mới là tôm khô đạt chuẩn OCOP và tiếp tục phát triển các sản phẩm khác từ nông sản thế mạnh của Mỹ Xuyên.
Qua thời gian triển khai Chương trình OCOP tại huyện Mỹ Xuyên có nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực tại địa phương đã đạt chuẩn các sao OCOP. Các chủ thể sản phẩm OCOP đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Vì vậy, các sản phẩm OCOP đã được đánh giá cao về chất lượng và độ tin cậy, an toàn trong việc sử dụng sản phẩm, đặc biệt giá trị các sản phẩm cũng được nâng tầm, cho lợi nhuận tốt hơn.
Gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Để thực hiện thành công Chương trình OCOP do Thủ tướng Chính phủ phát động với mong muốn đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực của địa phương có mặt trên thị trường trong và ngoài nước thì cần phải gắn kết với Chương trình OCOP trong XDNTM nâng cao. Bởi chương trình không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập, hướng đến sản xuất bền vững, an toàn, giảm thiểu tác động đến môi trường… mà còn góp phần giải quyết bài toán về tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, kinh tế, tổ chức sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 8/10 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; hiện đang thực hiện quy trình thẩm định thêm 2 xã đạt chuẩn nông mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; riêng huyện phấn đấu cuối năm 2024 sẽ cán đích nông thôn mới nâng cao. |
Chương trình OCOP góp phần giúp huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: HOÀNG LAN |
Đồng chí Đào Đắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM xác định nông dân là chủ thể và mục đích cuối cùng của chương trình là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chương trình OCOP tuy mới triển khai thực hiện vài năm nay nhưng đã có tác động tích cực vào kết quả XDNTM. Huyện Mỹ Xuyên đạt được thành công trong XDNTM nâng cao hôm nay có sự đóng góp không nhỏ từ Chương trình OCOP. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến nay huyện Mỹ Xuyên có 23 sản phẩm OCOP. Hiện địa phương còn có rất nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng OCOP. Do đó, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình, đồng thời có chính sách hỗ trợ từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tham gia các hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ, giúp các cơ sở ngày càng lớn mạnh.
Từ kết quả trên, có thể thấy Chương trình OCOP đã và đang từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và đóng góp tích cực vào chương trình XDNTM nâng cao tại huyện Mỹ Xuyên. Đây được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và tái cơ cấu nông nghiệp.
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin