Trước khi xây dựng NTM, xã Long Phú là xã nghèo, có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 72% dân số. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã chưa được bêtông hóa nên gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa… Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thì xã Long Phú đã thực hiện xong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của xã, với tỷ lệ 1/10.000; quy hoạch được công bố rộng rãi tới nhân dân toàn xã. Các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; có trên 90% đường liên ấp được cứng hóa; có 100% đường ngõ, xóm sạch; có hơn 90% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Về điện sinh hoạt, trước đây, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện khoảng 60 - 70%, đến nay lưới điện đã được phủ đều trên toàn xã, đạt tỷ lệ trên 99%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt hơn 98%.
Khắp các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đều trồng hoa dọc hai bên đường, tạo diện mạo làng quê đổi mới. Ảnh: THÚY LIỄU |
Xã nhà thay đổi từng ngày kể từ khi xây dựng NTM. Chúng tôi có đường giao thông thuận lợi để đi; có kênh thủy lợi được Nhà nước nạo vét thường xuyên, dễ dàng cho việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có điện, có nước sạch nông thôn sử dụng 24/24 giờ. Cùng với đó, các trường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, con em đến trường học tập tốt hơn. Để góp phần xây dựng xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập tại hộ, góp phần để địa phương đạt tiêu chí về thu nhập
Ông Kim Hiền, ấp Nước Mặn, xã Long Phú chia sẻ.
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế nông thôn và tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ dân thoát nghèo bền vững, xã đã xác định cây lúa, bò thịt và con tôm là cây trồng, vật nuôi thế mạnh của xã. Xã đã tập trung hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ và hình thành hợp tác xã lúa để liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra. Quy hoạch vùng nuôi tôm bền vững và đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo Luật Thủy sản; tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bò và thay thế dần giống bò địa phương sang giống bò cho năng suất thịt, sữa tốt.
Từ việc hỗ trợ về phát triển sản xuất, xã phối hợp các phòng, ban chuyên môn trực thuộc huyện và sở, ban ngành tỉnh để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả có gần 4.900 lao động trên địa bàn xã đã được đào tạo nghề, đạt tỷ lệ gần 72%. Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế nông thôn và triển khai hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trước khi triển khai chương trình hơn 10%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã dưới 4%, thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Nguyễn Thành Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú cho biết:
Để duy trì và nâng cao hiệu quả, sau khi xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức trong dân để họ cùng chung sức tham gia giữ vững, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM. Tập trung khai thác và huy động các nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp, lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với chương trình mục tiêu khác và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Quan tâm đến phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát huy các nghề truyền thống và du nhập các ngành nghề mới nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình tổ chức thực hiện...
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin