Dù chỉ mới thành lập được khoảng 3 năm nay, nhưng HTX Nông sản hữu cơ Samaki ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đã trở thành cầu nối vững chãi giữa nông dân trồng hành tím ở địa phương và thị trường. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX kết nối với các công ty, doanh nghiệp, Bưu điện tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp các thành viên và người dân yên tâm sản xuất. HTX còn là một trong những đơn vị tiên phong trồng hành tím theo hướng hữu cơ được chứng nhận VietGAP, giúp cho hành tím bán được giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%, đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: XUÂN NGUYÊN |
Ở huyện Thạnh Trị, hiện HTX Nông nghiệp Vinh Lợi được xem là đầu mối tin cậy trong việc liên kết với đơn vị thu mua bao tiêu đầu ra ổn định cho thành viên. Cùng với việc định hướng cho nông dân sản xuất lúa an toàn và lúa hữu cơ, HTX còn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ các thành viên kinh phí, kỹ thuật canh tác để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, giúp nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho thành viên.
Theo Liên minh HTX Sóc Trăng, trên tinh thần chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX trong tỉnh đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Tham gia xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX được xem là điển hình, như HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 ở huyện Kế Sách đã tổ chức và hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Một số HTX, như: HTX Hưng Phú ở huyện Cù Lao Dung, HTX Thủy sản Toàn Thắng ở thị xã Vĩnh Châu còn chung tay cùng địa phương xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cùng với sự phát triển của các HTX nông nghiệp, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang phát huy lợi thế và tiềm năng. Từ việc đẩy mạnh ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá cao, ổn định đã mở ra cơ hội việc làm cho người dân. Có thể kể đến HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, nhiều năm nay HTX đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực và các vùng lân cận; hay HTX Mây tre đan Thủy Tuyết đã xây dựng phát triển thành công sản phẩm đặc trưng cho địa phương, tham gia các dịch vụ du lịch cộng đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người dân.
Tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, một số HTX còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên về kỹ năng quản lý, kỹ thuật sản xuất, tiếp cận thị trường, giúp nông dân phát triển và vận hành HTX một cách hiệu quả hơn. Tiêu biểu như HTX Hưng Lợi của huyện Long Phú, HTX Tín Phát của huyện Kế Sách…
Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng Phạm Chí Nguyện cho biết, toàn tỉnh có 227 HTX đang hoạt động. Nhiều HTX hoạt động tích cực, phát huy vai trò HTX kiểu mới đã góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Để phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh cũng luôn đồng hành, hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, khuyến khích HTX áp dụng nông nghiệp thông minh, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hỗ trợ các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
XUÂN NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin