Thành quả của xã An Thạnh Đông đã đạt được trong xây dựng xã NTM nâng cao đó là xã có kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, làm thay đổi cơ bản và toàn diện diện mạo nông thôn. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; nông dân trên địa bàn xã có việc làm ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể là xã có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt trên 96%; tỷ lệ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hằng năm đạt 100%; tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt trên 99%; tỷ lệ trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 2 là 100%; có nhà văn hóa thể thao được hoạt động thường xuyên; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 80%.
Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đều được bêtông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ảnh: THÚY LIỄU |
Phấn khởi trước những đổi thay không ngừng của xã An Thạnh Đông, bà Nguyễn Thị Hai bộc bạch: "Tôi đã gắn bó với vùng đất cù lao này đã gần 80 năm qua, tôi nhận thấy đời sống người dân ngày càng khấm khá. Bởi có đường giao thông thuận lợi, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Nhà nhà sinh sống dọc theo tuyến đường giao thông nông thôn đều có làm hàng rào, trồng hoa, góp phần tô điểm cho làng quê “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Bên cạnh đó, về tổ chức sản xuất, xã có 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; có 1 sản phẩm đạt sao OCOP. Về phát triển kinh tế nông thôn, xã còn thực hiện hiệu quả nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trong đó nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao; xã đã thành lập 1 tổ khuyến nông cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, xã đã ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn tập trung và số công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân có nhà kiên cố đạt trên 87%; thu nhập bình quân đầu người hơn 72 triệu đồng/người/năm. Điểm nổi bật là xã An Thạnh Đông không có hộ nghèo đa chiều và số hộ cận nghèo đa chiều tỷ lệ chưa đến 1%.
Đồng chí Trần Thanh Tiền - Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi xã nhà đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để tiếp tục duy trì đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội NTM theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân. Đồng thời sẽ quan tâm đến việc phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; quan tâm phát triển kinh tế tập thể theo hướng liên kết chuỗi giá trị; tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từng bước hoàn thiện, nâng chất cơ sở vật chất văn hóa. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền. Tiếp tục xây dựng cụ thể các kế hoạch nâng chất các tiêu chí NTM đạt chưa cao”.
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin