Tư duy biện chứng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Ph.Ăngghen:
Vững tin vận dụng để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình

10:48, 28/11/2024

Ph.Ăngghen (1820-1895) là nhà tư tưởng kiệt xuất đã cùng C.Mác xây dựng nên một học thuyết khoa học và cách mạng. Một trong những đóng góp to lớn của Ph.Ăngghen là tư duy biện chứng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều này đã cho chúng ta những gợi mở quan trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Ph.Ăngghen (bên trái) và C.Mác cùng các con gái của C.Mác năm 1864. Ảnh tư liệu
Ph.Ăngghen (bên trái) và C.Mác cùng các con gái của C.Mác năm 1864. Ảnh tư liệu

Quan điểm về khả năng “phát triển rút ngắn”

Cùng với C.Mác, trên cơ sở luận giải một cách khoa học về sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử, Ph.Ăngghen đã khẳng định đến một giai đoạn phát triển nhất định, chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bằng một chế độ xã hội khác - chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa là tương lai chung của lịch sử loài người nhưng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi dân tộc khác nhau, tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể.

Không chỉ khẳng định con đường tất yếu của các nước tư bản phát triển ở phương Tây là tiến lên chủ nghĩa xã hội mà cuối những năm 80, 90 của thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen còn quan tâm đến vận mệnh của các nước tiền tư bản. Khi nghiên cứu về nước Nga, Ph.Ăngghen đã nhìn thấy khả năng một nước tiền tư bản như nước Nga có thể đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với một số điều kiện nhất định như “nông dân không canh tác riêng lẻ mà canh tác tập thể”, “nông dân không phải trải qua chế độ trung gian là chế độ sở hữu manh mún tư sản về ruộng đất”.

Như vậy, theo Ph.Ăngghen, điều kiện của nước Nga khi muốn đi lên chủ nghĩa xã hội là phải có mầm mống của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Ngoài ra, Ph.Ăngghen còn nhấn mạnh thêm khả năng phát triển “rút ngắn” sẽ giúp cho các nước có thể tránh được phần lớn những tai ương, đau khổ mà trước đó ông gọi là “khe núi Capdia” của chủ nghĩa tư bản: “Các nước không những có thể mà còn chắc chắn… rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu… phải trải qua”[1] .

Quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã cho thấy rất rõ tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen. Một mặt, Ph.Ăngghen đã quán triệt quan điểm phát triển khi khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn, với sự tích lũy về lượng để tạo ra biến đổi về chất, song mặt khác, Ph.Ăngghen cũng nói rõ thêm khả năng phát triển “rút ngắn” của các nước tiền tư bản khi tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với quan điểm này, Ph.Ăngghen đã tiếp tục làm rõ thêm quan điểm của C.Mác về sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Quan điểm của Ph.Ăngghen về khả năng “phát triển rút ngắn” sau này được V.I.Lênin nêu thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước, các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, chậm phát triển.

Những gợi mở từ tư duy biện chứng

Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có quan điểm của Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội và kế tục sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt gần 95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngay cả khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào thoái trào rồi khủng hoảng, sụp đổ vào những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng ta vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai của lịch sử loài người là chủ nghĩa xã hội: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một tất yếu khách quan, vừa trên cơ sở vận dụng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có quan điểm của Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cũng như mơ ước, khát vọng của nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp, hướng đến con người. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới là một bằng chứng thực tiễn giàu sức thuyết phục khẳng định việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Với những kết quả to lớn đã đạt được, cùng với tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đang ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã và đang tích lũy những điều kiện chín muồi để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, với mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây là mục tiêu rất rõ ràng, vừa trên cơ sở nhận định, đánh giá khách quan về những kết quả Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới; đồng thời là sự kết tinh ý chí, khát vọng, niềm tin của dân tộc Việt Nam về một giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước trong những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh hiện nay, một mặt chúng ta phải luôn kiên trì, kiên định với sự lựa chọn của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mặt khác phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch khi xuyên tạc, phủ nhận sự lựa chọn đó của Đảng ta. Vận dụng tư duy biện chứng về chủ nghĩa xã hội của Ph.Ăngghen cho mỗi chúng ta thêm niềm tin, ý chí, sức mạnh để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.632.

Tiến sĩ Lê Thị Chiên/Báo Hànộimới