“Quả ngọt” từ “đám lá sinh kế”

05:51, 17/08/2024

STO - Người dân ấp Phước Trường B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã gắn bó lâu năm với cây dừa nước. Đây là cây sinh kế, “hái ra tiền”. Trước đây, người ta trồng dừa nước để lấy lá lợp nhà hay bán. Khoảng ba, bốn năm nay, người dân khai thác luôn trái dừa nước, giờ nhiều hộ mỗi tháng thu nhập trên 15 triệu đồng. Nếu gọi làm “đám lá sinh kế” thì đúng là vậy vì nhiều người ăn nên làm ra từ cây dừa nước.

Vất vả nơi đám lá dừa nước

Sáng sớm là nhiều chiếc xuồng, vỏ lãi nối đuôi nhau dọc theo đám lá dừa nước để “săn” những buồng dừa nước. Đến hơn 10 giờ thì các phương tiện đó chở đầy ắp buồng dừa cặp bến. Người ta ném chúng lên bờ, đập cho trái tách ra khỏi buồng rồi chẻ làm hai để lấy cơm dừa cho vào cái bọc đã chuẩn bị sẵn.

Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, chị Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Tổ hợp tác “Liên kết tiêu thụ dừa nước” tại ấp Phước Trường B bơi xuồng chở chúng tôi đi chặt dừa nước. Hai bên bờ nhà cửa tuy thưa thớt nhưng lá dừa thì chen chúc nhau mọc lên. Chúng nghiêng mình che mát các khúc sông, thi thoảng run lên theo từng cơn gió. Chỉ tay về phía những buồng dừa nước, chị Nga mách chúng tôi cách phân biệt buồng nào có thể thu hoạch được: “Thấy trái dừa nước màu sậm, quả to, buồng hơi cong thì ghé xuồng vào. Trước khi chặt thì thử 1 trái, thấy cơm dày, mềm là đốn cả buồng luôn. Có những buồng nằm gần bờ thì mình phải lội xuống chặt, chứ không phải buồng nào cũng ở phía ngoài”.

Chị Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Tổ hợp tác “Liên kết tiêu thụ dừa nước” tại ấp Phước Trường B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chỉ cách xem buồng dừa nước có thể thu hoạch được. Ảnh: MINH HUY

Nói về sự cực khổ của công việc này, chị Nga đưa đôi chân và đôi tay đầy vết mủ pha màu bùn, rồi bảo: “Công việc này kiếm nhiều tiền thật nhưng cực lắm. Ai đi làm rồi biết, bộ mình không khô nổi, đi chặt dừa nước lúc nào cũng ướt nhẹp. Chặt dừa xong rồi vận chuyển lên xuồng, lên bờ muốn đứt hơi. Xong rồi chặt thủ công từng trái để lấy cơm dừa. Được cái là cây dừa nước dễ trồng, không cần chăm sóc gì hết, khai thác được lá, trái quanh năm”.

Tầm 5 giờ sáng, bà Lê Thị So (ấp Phước Trường B) đã bơi xuồng đi đốn dừa nước, đến 11 giờ bà mới về tới nhà. Nhìn bộ quần áo pha màu phèn với bùn, bà So thấy ngại: “Làm dừa nước cực lắm. Nhà tôi có hơn 10 công trồng dừa nước, tôi mướn người đi chặt mà không ai chịu làm. Thấy tiếc của, nên cứ tầm nửa tháng tôi đi chặt dừa nước bán 1 lần, cũng được mười mấy, hai chục buồng, nếu lấy phần cơm cũng tầm 15kg trở lên. Tôi giờ 56 tuổi mà cũng ráng làm, tại thấy thu nhập cao, bỏ đi thì tiếc”.

“Hái ra tiền” từ đám lá dừa nước

Không biết từ khi nào, cây dừa nước đã phát triển mạnh ở ấp Phước Trường B này. Chị Nga bảo: “Tôi có 37 công trồng dừa nước, từ thời ông nội tôi trồng cho cha tôi rồi cha tôi để lại cho tôi. Trước đây, tôi đốn lá chằm bán. Ở ấp này mấy năm trước chị em sống bằng nghề chằm lá, thu nhập rất ổn định”.

Muốn bán được phần cơm dừa nước phải qua nhiều công đoạn khá vất vả. Ảnh: MINH HUY

Khoảng 4 năm trước, trong lần đi Thành phố Hồ Chí Minh thăm con trai, chị Nga thấy quán nước có bán món dừa nước, vì tò mò nên chị kêu thử 1 ly, uống thấy ngon. Chị lân la hỏi chủ quán có đặt hàng cơm dừa nước không, chị sẽ kiếm hàng giao. Ban đầu chủ quán đặt hàng 30 - 40kg, giá 45.000 đồng/kg. Rồi chị về quê, đốn dừa nước bán, thấy dễ kiếm tiền, thu nhập ổn định, chị Nga thông tin cho nhiều chị em phụ nữ ấp Phước Trường B. Từ đó cho đến nay, ở ấp có 30 - 40 hộ sinh kế bằng công việc bán cơm dừa nước, nhiều hộ thu nhập bình quân 15 triệu - 20 triệu đồng/tháng. Tại ấp đã thành lập Tổ hợp tác “Liên kết tiêu thụ dừa nước” với 16 thành viên, trong đó có 10 thành viên làm nghề “chẻ dừa nước”, 6 thành viên làm nghề chằm lá. Chị Nga còn khoe: “Tầm 4 giờ chiều, có người chở 100 - 200kg cơm dừa nước bán. Bao nhiêu hàng cũng gom hết, không sợ “thừa hàng, dội chợ”. Giá cơm dừa nước cao nhất 40.000 đồng/kg, thấp nhất 29.000 đồng/kg”.

Thấy công việc chẻ dừa nước lấy cơm dừa bán thu nhập cao, tuy 64 tuổi nhưng bà Lê Thị Sứng (ấp Phước Trường B) không ngại vất vả, tầm 7 - 15 ngày, bà cùng con đi chặt dừa nước. Bà Sứng tươi cười bảo: “Trước tôi đốn lá dừa nước bán, rồi làm nghề chằm lá, cũng kiếm thu nhập ổn định. Nay thấy công việc này ngợi hơn nên tôi không đốn lá nữa, để nuôi trái. Bán cơm dừa nước mỗi tháng tôi kiếm 3 triệu - 4 triệu đồng là bình thường”.

Theo chị Nga, sau khi lấy cơm dừa, người ta cho vào cái bọc cột lại, thêm đá giữ cho lạnh là bảo quản được rất lâu. Hiện chỗ anh Đặng Văn Ai (ấp Phước Trường B) đã thử sấy cơm dừa nước, cho mọi người dùng thử thấy rất ngon. Nếu có người đặt mua, anh sẽ làm bán. Cách này tăng thêm giá trị cho cơm dừa nước.

Trước đây, người dân ấp Phước Trường B trồng dừa nước chỉ khai thác lá. Vài năm trở lại đây, cơm dừa nước có đầu ra ổn định, nên nhiều người khai thác luôn phần trái. Đây được xem là cây sinh kế giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thu nhập ổn định, xây dựng nhà ở khang trang.

MINH HUY