Cô và trò Trường Mầm non Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) trong giờ hoạt động ngoài trời. Ảnh: HUỲNH NHƯ |
Đến Trường Mầm non Vĩnh Tân, chúng tôi ấn tượng với cách thiết kế vườn hoa, khu vui chơi, góc học tập đa dạng, tạo sự thân thiện, gần gũi. Cô Lê Thị Cẩm Diệu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Tân cho biết: “Tập thể sư phạm nhà trường luôn nhận thức sâu sắc về việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng của đội ngũ phục vụ tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học. Hằng năm, nhà trường luôn bám sát chủ đề năm học, thực hiện tốt kế hoạch, chương trình giáo dục và các hoạt động khác, cũng như tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, kết quả nuôi nưỡng, chăm sóc, giáo dục đều đạt kết quả mong đợi”.
Năm học 2024 - 2025, trường có 20 nhóm, lớp, với 600 trẻ, trường có 1 điểm chính tọa lạc tại ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân và 2 điểm lẻ tại ấp Nô Puôl; học sinh dân tộc Khmer chiếm trên 80% học sinh toàn trường. Trước đây, do quỹ đất của trường hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được các yêu cầu phục vụ công tác dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, đến năm 2016, cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhà trường được xây dựng mới khang trang, với tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng, gồm có 8 phòng học kiên cố, 11 phòng học bán kiên cố và các phòng chức năng, khu hiệu bộ… đáp ứng cho công tác quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Năm học này, trường tiếp tục được bổ sung thiết bị, đồ chơi ngoài trời như: xích đu, cầu trượt, nhà banh, mâm quay, thang leo, thú nhún lò xo… tạo cơ hội cho trẻ được học tập, vui chơi và khám phá.
Trường xây dựng chương trình học theo chủ đề, chủ điểm gây hứng thú cho trẻ. Ảnh: HUỲNH NHƯ |
Qua 14 năm hình thành và phát triển, nhà trường không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt, từng bước khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã không ngừng đổi mới toàn diện, đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện 5 tiêu chuẩn và các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
“Ban Giám hiệu nhà trường xác định việc làm đầu tiên và rất quan trọng đó là huy động mọi nguồn lực cho xây dựng hạ tầng cơ sở theo hướng kiên cố hóa, bởi có cơ sở hạ tầng tốt mới động viên được người dân đưa trẻ đến trường. Từ định hướng đúng đắn và các giải pháp phù hợp, trường đã từng bước được quan tâm xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường có tư cách đạo đức tốt, phẩm chất chính trị vững vàng, nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Qua đó, tạo niềm tin và uy tín đối với cha mẹ trẻ, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng…” - cô Lê Thị Cẩm Diệu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Tân chia sẻ.
Ngoài việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, nhà trường luôn chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới. Hiện nhà trường có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 65%. Đặc biệt, là một ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhưng trong nhiều hội thi do thị xã tổ chức, trường đều đạt giải cao. Về chất lượng giáo dục, bằng tình yêu nghề, mến trẻ, đội ngũ giáo viên đã luôn cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học như: đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Hằng năm, 100% trẻ được khám sức khỏe, cân đo theo dõi biểu đồ theo quy định; 100% các lớp nhà trẻ, mẫu giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới; tỷ lệ trẻ chuyên cần hằng năm đạt trên 95%, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non và đủ điều kiện lên lớp 1… Bên cạnh đó, nhà trường dành sự quan tâm đặc biệt đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và tặng quà vào các dịp lễ, Tết.
Trường đặc biệt chú trọng công tác dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú. Ảnh: HUỲNH NHƯ |
Với những thành tích đạt được, nhà trường được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 2/2024. Đây là thành quả rất đáng tự hào của sự cố gắng nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ, giáo viên một ngôi trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua 14 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là thành quả của sự sáng tạo trong quản lý, sáng tạo trong cách làm và là thử thách bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.
Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đổi mới các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đẩy mạnh công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ; tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm. Với những nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ được nâng lên qua từng năm học, tạo được niềm tin để phụ huynh gửi gắm con em mình, xứng đáng là trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Tuy nhiên, đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia đã khó, giữ vững được danh hiệu này càng khó hơn. Ý thức được điều đó, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường khối đoàn kết, nhất trí cao, trên dưới một lòng, nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và tiến tới đạt mức độ 2.
HUỲNH NHƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin