Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, thời gian qua với sự chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo lao động, mở nhiều phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương đã tạo việc làm cho 28.788 người (đạt 101,01% kế hoạch), trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 386 người (đạt 110,28% kế hoạch).
Theo dự báo, đến năm 2030, tỉnh thu hút và tạo việc làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn khoảng 200.000 người, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, đóng giày, cơ khí, cơ điện, điện lạnh, điện tử, tự động hóa, vận hành, bảo trì, sửa chữa dây chuyền, máy móc, thiết bị... Theo đó, mỗi năm dự báo nguồn lao động trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên 35.000 người.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: MAI KHÔI |
Bên cạnh những thuận lợi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cũng đề cập một số khó khăn, tồn tại như: Tình trạng lao động của tỉnh đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh Sóc Trăng vẫn còn nhiều, chủ yếu là do các chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập, các khoản trợ cấp khác của các doanh nghiệp ngoài tỉnh tương đối tốt hơn ở tỉnh Sóc Trăng; việc triển khai thực hiện chế độ dạy thêm giờ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn gặp khó khăn do việc xác định mốc thời gian để tính số giờ làm thêm chưa phù hợp; hiện nay, việc thực hiện chủ trương đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo, thực tập trong doanh nghiệp, vừa học - vừa làm… nên gặp khó về độ tuổi, điều kiện, chế độ chính sách đối với học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 tham gia học trung học phổ thông và học trung cấp nghề gắn với việc làm trong doanh nghiệp… Từ những vướng mắc này, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến Luật Việc làm (sửa đổi).
Đồng chí Tô Ái Vang cho biết, thông qua đợt khảo sát này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin về những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Qua đây, đoàn cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị làm cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp có hiệu quả đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới.
MAI KHÔI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin