Bài “Anh hùng chế mìn và anh hùng đánh mìn”, Bác viết nhằm biểu dương tấm gương của Nguyễn Văn Kim, một cán bộ chính trị được giao tổ chức nhà máy quân giới đã sáng chế ra vũ khí và cách đánh giặc hiệu quả. Và anh Nguyễn Văn Dũng, bộ đội giỏi đánh mìn, lấy mìn của địch để diệt địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952). Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong bài “Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp”, Bác phân tích những khác biệt về lợi ích và đường lối của hai đế quốc trong chiến tranh Việt Nam để khoét sâu vào những mâu thuẫn của đối phương: “Mâu thuẫn giữa Mỹ với Pháp ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa bọn thống trị Pháp cũng thêm sâu sắc. Mà phần lớn mâu thuẫn đó là vì Pháp thất bại ở Việt Nam. Vậy chúng ta phải cố gắng vượt mọi khó khăn, ra sức kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”. Cuối cùng, Người kết luận: “Ta càng thắng lợi thì mâu thuẫn giữa bọn địch càng to, chúng càng bị chia rẽ, thế chúng càng yếu, thế ta càng mạnh, chúng càng thua, ta càng thắng. Thế tức là: Khéo dùng tình hình địch để làm lợi cho tình hình ta”.
Đặc biệt nhất là bài: “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”, Bác đánh giá: “Vì quan liêu, tham ô, lãng phí có hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho đoàn thể, cho kháng chiến và kiến quốc, nên mọi người có quyền và có nghĩa vụ phải chống”. Người khẳng định, bước đầu thì chống bằng cách kiểm thảo và phê bình. Còn những người, những cơ quan hoặc đoàn thể nào phạm những điều ấy, thì cần phải thật thà và công khai tự kiểm thảo và kiên quyết sửa đổi.
Người nhận thấy, gần đây (những tháng đầu năm 1952), nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt bắt chim”, thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Từ đó, Bác mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí. Bác cũng đánh giá một cách khách quan rằng: “Chúng ta nhiều công việc, ít kinh nghiệm, không tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, mà sợ không kiên quyết tự kiểm thảo và sửa chữa”. Người cũng khẳng định: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”.
Đúng vào ngày này (31/7), đọc lại những bài viết của Người, chúng ta lại có dịp nhớ về những năm tháng hào hùng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, mang lại nền độc lập, tự do cho nước nhà. Đặc biệt hơn nữa đó là quan điểm, tư tưởng của Bác về đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí đã và đang được Đảng ta tiếp tục thực hiện với phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với kiểm soát quyền lực, “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” thể chế; thực hiện nhất quán cơ chế “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ, “đúng vai, thuộc bài”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
TRỌNG NHÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin