Nhớ Bác ngày này, năm xưa: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua”

04:00, 30/08/2024

STO - Ngày 30/8/1969, tình hình sức khỏe của Bác diễn biến rất xấu. Buổi chiều, khi tỉnh lại, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh; tình hình nước sông Hồng và nhắc nhở phải để ý đề phòng lũ lụt.

Trong cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ cho Người” cho biết, ngày 28/8/1969, tim Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần truyền nhĩ thất. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, ngày nào các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng đến thăm Bác và báo cáo với Bác tình hình chiến trường ở hai miền. Mỗi tin chiến thắng đều làm gương mặt Bác rạng rỡ hẳn lên. Lần nào Bác cũng nói: “Hôm nay Bác khỏe hơn hôm qua”. Nhưng thực tế thì ngược lại. Người nói thế để các đồng chí Bộ Chính trị an tâm, nhân dân không lo lắng. Bởi trong giai đoạn lịch sử đó, Bác là niền tin, là điểm tựa lớn nhất cho Đảng, cho đất nước và cho nhân dân.

Đến chiều ngày 30/8, đồng chí Phạm Văn Đồng sang, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Nhưng Bác đang bệnh, làm sao có thể bắn pháo hoa được. Đến những ngày cuối cùng, mặc dù trong tình trạng sức khỏe nguy kịch nhưng Bác vẫn luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, trái tim lớn của Người vẫn luôn hướng về đất nước, hướng về nhân dân.

Cũng trong cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ cho Người” viết: “Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. “Bác Hồ”, đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn lại như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả.

Đã có biết bao nhiêu người anh hùng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Lời hô giản dị và tha thiết ấy trước kẻ thù trên nhiều pháp trường đã vang lên như một lời thề, thể hiện khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng. Đó cũng là niềm mong mỏi da diết, là lời cầu chúc của người chiến sĩ cách mạng đối với sức khỏe của Bác. Người sắp hy sinh cầu chúc cho Bác mãi mãi mạnh khỏe, sống lâu, người sống cũng luôn khao khát Bác trường sinh cùng với dân tộc, với đất nước.

Nhưng sức khỏe của Bác lại hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta. Vào giữa những năm của thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nửa triệu quân Mỹ đã đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ tàn khốc nhất trong lịch sử. Tin tức về những người dân vô tội bị giết hại, những làng mạc trù phú ở miền Nam bị tàn phá đã trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác.

Cùng với tuổi tác, sức khỏe của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm. Đã có một câu chuyện kể lại rằng, thấy Bác suy giảm sức khỏe vì hút thuốc lá nhiều, các bác sĩ đề nghị Bác không được hút thuốc nữa, Bác chấp hành. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, các bác sĩ lại phải để Bác hút thuốc trở lại vì bỏ thuốc, sức khỏe của Bác có phần sa sút hơn. Điếu thuốc là người bạn duy nhất của Bác trong những giờ phút riêng tư, khi tất cả mọi người sau một ngày làm việc với Bác trở về với cuốc sống gia đình êm ấm của mình.

TRỌNG NHÂN (Tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 10, trang 335.

[2] Nhiều tác giả, Giữ yên giấc ngủ cho Người. Nxb Chính trị Quốc gia - Nxb Văn học, năm 2015, trang 19.