Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào ngày 19/5/1955 tại sân nhà máy. Ảnh: Tư liệu
Trước tiên, Người phân tích tại sao chúng ta phải đoàn kết. Vì, sau 15 năm chiến tranh, nước ta bị tàn phá, dân ta bị cực khổ. Nay hòa bình mới trở lại, chúng ta phải hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra, và xây dựng lại đời sống bình thường của nhân dân. Công việc rất nhiều, rất phức tạp. Người cho rằng, trong công việc, chúng ta có nhiều thuận lợi, mà cũng có nhiều khó khăn.
Làm rõ những thuận lợi, Bác nhấn mạnh: “Thuận lợi vì nhân dân ta rất tốt, Chính phủ ta kiên quyết, cán bộ ta cố gắng; và vì ta có các nước bạn và nhân dân thế giới nhiệt liệt ủng hộ”. Đồng thời, Người cũng nêu lên những khó khăn là vì vần còn những tư tưởng cũ, quan điểm cũ, thói quen cũ, lề lối cũ. Và vì sức phản động trong nước và ngoài nước.
Từ những thuận lợi, khó khăn, Bác, cho rằng, điều cần thiết nhất cho chúng ta là đoàn kết. Người giải thích thêm: “Ai cũng biết hiện nay chúng ta có hai lớp cán bộ, cán bộ kháng chiến và cán bộ khác. Nhưng chúng ta phải biết rằng nay hai lớp ấy đều là cán bộ của chính quyền nhân dân, tức là như anh em một nhà”.
Để từ đây, Người kêu gọi anh chị, em công chức ở thủ đô Hà Nội cần phải xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ, để cùng phục vụ nhân dân. Vì, đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (14/5/1966). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đề cập đến vấn đề thứ hai, đó là tăng năng suất công tác, Người nhấn mạnh:
Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân.
Bác nêu, muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trong đó, Cần tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì; Kiệm tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của nhân dân; Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân và Chính tức là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Người cũng cho rằng, bốn điều đó đi liền với nhau.
Điều cuối cùng mà Bác đề cập đến đó là việc học tập. Bác lý giải, muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật. Theo Người, việc nghiên cứu học tập ấy không phải là gò ép. Tùy ý mỗi người, không miễn cưỡng… Song, các anh em phụ trách hướng dẫn cần phải chú ý: Làm thế nào cho việc học tập thiết thực, vui vẻ; không nên câu nệ, hình thức, tuyệt đối tránh cách nhồi sọ. Lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau.
Kết thúc bài nói chuyện, Bác nhấn mạnh lại, nếu anh chị em cán bộ cố gắng thực hiện 3 điều nói trên, thì chúng ta nhất định thắng lợi trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô Hà Nội vượt qua khó khăn, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Để xứng đáng với những gì Bác mong muốn, từ trước đến nay, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển Thủ đô Hà Nội, gần đây, vào ngày 27/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo kết quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của thành phố năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025 - 2030.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân. Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, là trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước. Từ thực tiễn triển khai với tinh thần đổi mới, sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, các địa phương sẽ thực hiện và nhân rộng trên cả nước.
TRỌNG NHÂN
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 435.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 9, trang 144, 145 và 146.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin