Phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân
Toàn huyện Mỹ Tú có trên 680 đảng viên dân tộc Khmer (chiếm tỷ lệ trên 19% đảng viên toàn Đảng bộ huyện); 40 người có uy tín đang sinh sống tại các ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Đội ngũ cán bộ, đảng viên người Khmer, người có uy tín trong huyện đã phát huy tốt vai trò là những nhịp cầu nối giữa Đảng với đồng bào Khmer trong công tác tuyên truyền, vận động, là hạt nhân đoàn kết, đi đầu trong các phong trào, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Cán bộ, đảng viên người Khmer huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) luôn phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với dân. Ảnh: TẤN PHÁT |
Các câu hỏi của đoàn viên, thanh niên đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời trực tiếp, cụ thể tại chương trình, đồng thời thông tin thêm một số vấn đề, nội dung mà đoàn viên, thanh niên quan tâm. |
Xã Phú Mỹ là địa phương có đông đồng bào Khmer nhất của huyện Mỹ Tú, với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 92% dân số toàn xã, đảng viên người Khmer chiếm trên 84% tổng số đảng viên trong Đảng bộ xã. Đội ngũ đảng viên người Khmer của xã đã luôn tiên phong, gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer trong xã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương.
Đồng bào Khmer ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ đã quen thuộc với hình ảnh ông Lâm Khu - Bí thư Chi bộ ấp, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, địa phương.
Ông Lâm Khu chia sẻ:
Tôi luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân trong ấp. Từ đó, tôi và các đảng viên trong chi bộ tích cực tuyên truyền đến người dân các phong trào thi đua yêu nước, nhất là tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới, tích cực phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng nâng cao, hộ nghèo trong ấp chỉ còn 2 hộ.
Cùng với phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên người Khmer, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện còn tập trung phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng ĐBDTTS. Đơn cử như tại xã Thuận Hưng, trên địa bàn xã có 10 người có uy tín, 14 người tiêu biểu cốt cán, văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, người tiêu biểu cốt cán, văn nghệ sĩ trong tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm bắt, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào Khmer địa phương.
Bừng sáng những vùng quê
Nhờ việc tập trung triển khai các chương trình, dự án đối với vùng ĐBDTTS kết hợp phát huy vai trò cầu nối của đội ngũ cán bộ, đảng viên người Khmer, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đã tạo được sự ủng hộ, đồng thuận trong thực hiện các chương trình, phong trào thi đua ở địa phương. Theo đồng chí Thạch Thị Kim Lê - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mỹ Tú, từ việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng ĐBDTTS, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer, từng bước thay đổi diện mạo vùng đông đồng bào Khmer trong huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã giải ngân trên 11 tỷ đồng từ nguồn vốn được phân bổ để thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán, phát triển sản xuất cộng đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng ĐBDTTS…
Nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng có đông đồng bào Khmer huyện Mỹ Tú ngày càng khởi sắc. Đến nay, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm được trải nhựa, 11/13 trường trên địa bàn các xã vùng ĐBDTTS đạt chuẩn quốc gia, 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 90% ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đồng bào Khmer trong huyện từng bước được an cư, lạc nghiệp. |
Diện mạo vùng đông đồng bào Khmer huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: TẤN PHÁT |
Hộ anh Triệu Cương, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ là một trong nhiều hộ Khmer trên địa bàn xã được thụ hưởng chương trình. Theo anh Triệu Cương, nhờ chương trình mà gia đình anh được hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ 2 con bò, kinh phí xây dựng chuồng trại. Sự hỗ trợ là điều kiện, động lực để gia đình anh phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong đồng bào Khmer cũng ngày càng phát huy. Đến nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đồng bào Khmer cần cù, chịu khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Thạch Tiền, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ cho biết:
Trong quá trình canh tác lúa, tôi luôn tự tìm tòi, nghiên cứu, đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn để nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa, tăng lợi nhuận kinh tế. Hiện nay, với 30 công đất lúa mang lại lợi nhuận cho tôi trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Để vùng đông đồng bào Khmer trong huyện Mỹ Tú ngày thêm đổi mới, phát triển, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện sẽ tiếp tục đưa các chính sách, chương trình, dự án trong vùng đông ĐBDTTS đi vào cuộc sống. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Khmer, đội ngũ đảng viên người Khmer, người có uy tín, qua đó tạo động lực để đồng bào Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu, chung sức, chung lòng xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh.
TẤN PHÁT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin