Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định

HOÀNG LAN 10:16, 12/09/2024

STO - Theo Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm đối với doanh thu kinh doanh, bao gồm cả doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Điều này đã được quy định tại các nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ, ngành có liên quan.

Đại diện doanh nghiệp cung ứng các giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đến liên hệ doanh nghiệp để thiết kế các trang web bán hàng trên nền tảng trực tuyến. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu rất kỹ các quy định, hướng dẫn về hoạt động kinh doanh TMĐT để xây dựng sao cho đúng quy định và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để mở rộng thị trường, tiếp cận đến khách hàng trên cả nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTD Việt Nam Sóc Trăng đang đặt hàng công ty xây dựng trang web bán hàng với đầy đủ chức năng, tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng tiếp cận. Theo đại diện công ty, bây giờ không đưa hàng hóa, sản phẩm lên các nền tảng số, TMĐT chắc chắn sẽ bị tụt hậu, doanh thu giảm sâu. Tuy nhiên, để vận hành trang web hay sàn thương mại thì công ty rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng kiểm tra hộ kinh doanh TMĐT thực hiện các quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: HOÀNG LAN
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng kiểm tra hộ kinh doanh TMĐT thực hiện các quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: HOÀNG LAN

Qua đó có thể thấy, kinh doanh TMĐT hiện đã trở thành xu thế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. TMĐT trước đây đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 (gọi tắt là Nghị định số 52) và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, ngày 16/5/2021. Cụ thể, các nghị định quy định rõ các đối tượng được tham gia hoạt động TMĐT, trong đó có hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tại Điều 24 Chương 3 của Nghị định số 52 nêu rõ, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT bao gồm: các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website TMĐT bán hàng). Các thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT). Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán). Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website TMĐT bán hàng và website cung cấp dịch vụ TMĐT (khách hàng). Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người sở hữu website TMĐT bán hàng và cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT (thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng). Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Tại Điều 37 của Nghị định số 52 cũng quy định trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT, ngoài cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT; đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch TMĐT; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT… thì phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa nội dung này, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư thực hiện và gần nhất là Thông tư số 40/2021/TT-BTC, ngày 1/6/2021 về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trong đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định hoạt động TMĐT, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về TMĐT thuộc đối tượng áp dụng của thông tư. Do đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT phải thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT thực hiện đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh. Những hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động mua bán trên các sàn TMĐT, mạng xã hội điện tử (Facebook, Zalo...) có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký và nộp thuế. Các loại thuế phải nộp bao gồm lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Mức thuế suất áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nói chung, cá nhân kinh doanh TMĐT nói riêng theo lĩnh vực ngành nghề quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm đối với doanh thu kinh doanh, bao gồm cả doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh TMĐT.

Cũng theo Cục Thuế tỉnh, nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm về đăng ký thuế quá thời hạn quy định; hành vi vi phạm về nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn thì bị xử phạt tiền theo quy định; hoặc có hành vi trốn thuế, tùy theo số tiền trốn thuế mà có mức xử phạt hành chính tương ứng, thậm chí sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng luật định.

Như vậy, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT cần nghiên cứu khung pháp lý, những quy định về hoạt động thương mại trên các nền tảng số, tránh bị vi phạm, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho chính mình và khách hàng.

HOÀNG LAN