Con số và tầm nhìn

CTV 04:58, 22/10/2024

STO - Sau 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của tỉnh Sóc Trăng đã đạt giá trị kim ngạch 510 triệu USD, chiếm gần 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng 51,38% so với cùng kỳ. Đây là con số hết sức ấn tượng, là kết quả tất yếu của một chủ trương tập trung nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo của lãnh đạo tỉnh ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh.

Cuối năm 1992, khi sản lượng lương thực của tỉnh mới đạt 850.000 tấn, nhưng với tầm nhìn xa, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương đầu tư nâng cao phẩm chất lúa gạo, bằng việc trồng thử nghiệm giống lúa thơm Khao-Dawk-Mali 105 và xuất ngân sách mua trên 600 tấn giống lúa giống Khao-Dawk-Mali 105 để đầu tư cho sản xuất vào năm 1993. Đây cũng chính là tiền đề để Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và cho ra đời lần lượt các giống lúa thơm ngắn ngày mang tên ST được thị trường trong và ngoài nước nhanh chóng đón nhận.

Thu hoạch lúa ST trên cánh đồng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: TÍCH CHU
Thu hoạch lúa ST trên cánh đồng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: TÍCH CHU

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2015 diện tích trồng lúa đặc sản đạt hơn 20% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Ðồng thời, giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Ðề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015 theo mô hình cánh đồng mẫu lớn” (gọi tắt là Đề án) trình HÐND tỉnh thông qua. Có thể nói, sự ra đời của đề án trong giai đoạn này là một bước đi táo bạo, thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh trong việc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh sản xuất lúa gạo, đón đầu xu thế tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Điều đó đã được minh chứng khi Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” vào năm 2013 thì Sóc Trăng đã có gần 30% diện tích sản xuất các giống lúa thơm, mà nhiều nhất là các giống thuộc dòng ST.

Nhắc lại những sự kiện trên để thấy rằng, dù ít nhiều có sự thuận lợi từ yếu tố khách quan mang lại, nhưng con số 510 triệu USD xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2024 của tỉnh không hoàn toàn là “hiện tượng”, mà là kết quả tất yếu của một chủ trương, một chiến lược phát triển lúa gạo hết sức phù hợp với thực tế địa phương và xu thế tiêu dùng trong và ngoài nước. Việc kiên định mục tiêu “Lấy tín hiệu của thị trường làm định hướng sản xuất và nghiên cứu đã giúp ngành hàng lúa gạo Sóc Trăng nói chung và nông dân làm lúa nói riêng không ngừng gia tăng giá trị và lợi nhuận, kể cả trong một số thời điểm khó khăn nhất của ngành lúa gạo. Nhưng đâu chỉ có nông dân Sóc Trăng, mà nông dân các tỉnh từ ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho đến miền Trung, Tây Nguyên cũng được hưởng lợi lớn từ chủ trương phát triển nghiên cứu, sản xuất lúa thơm ngắn ngày này.

Tầm nhìn xa, chủ trương đúng đã giúp nâng cao giá trị và lợi nhuận cho các bên liên quan trong chuỗi ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU
Tầm nhìn xa, chủ trương đúng đã giúp nâng cao giá trị và lợi nhuận cho các bên liên quan trong chuỗi ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, kết thúc 9 tháng năm nay, toàn tỉnh xuống giống được gần 338.000ha và kết quả thu hoạch gần 333.000ha, cho sản lượng 2,15 triệu tấn, tăng 5,08%, trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm đến 94,53%, còn nếu tính riêng lúa đặc sản và lúa thơm khác chiếm 51,52% tổng sản lượng lúa đã thu hoạch. Với sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ lớn trên, Sóc Trăng đã cùng với cả nước góp phần giữ vững giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam ở mức cao nhờ vào sự ổn định về mặt chất lượng. Riêng giá gạo ST24, ST25 xuất khẩu thời gian qua luôn vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn nhưng doanh nghiệp vẫn than không có đủ hàng để xuất. Gần đây, khi Ấn Độ thông báo chính thức mở kho xuất khẩu gạo trở lại, giá gạo thế giới có phần giảm nhẹ, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn giữ ngôi đầu ở phân khúc gạo 5% tấm. Tác động từ nhu cầu thị trường thế giới và nhất là chất lượng gạo Việt Nam nói chung, Sóc Trăng nói riêng không ngừng được nâng lên, đã giúp nông dân làm lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt mức kỷ lục về lợi nhuận với trên 50 triệu đồng/ha trong vụ Đông - Xuân vừa qua.

Cây lúa Sóc Trăng tuy không đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu hay GRDP của tỉnh, nhưng lại gắn với sinh kế của đại bộ phận người dân trong tỉnh, nên thành quả của chủ trương “Ổn định sản lượng lúa ở mức 2 triệu tấn, tập trung nâng cao chất lượng để nâng cao giá trị” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xuyên suốt các nhiệm kỳ qua càng thêm giá trị và ý nghĩa. Tầm nhìn đó sẽ còn được phát huy hơn nữa để không chỉ đưa cây lúa Sóc Trăng mà cả nền kinh tế của tỉnh ngày một phát triển lên tầm cao mới, trở thành tỉnh có mức thu nhập khá trong khu vực.

TÍCH CHU